Doanh nghiệp FDI: Bức tranh không chỉ màu sáng

(Dân trí) - Bức tranh doanh nghiệp (FDI không chỉ có gam màu sáng là những con số về tổng giá trị vốn FDI vào Việt Nam hàng năm hay giá trị đóng góp thuế thu nhập của doanh nghiệp… mà còn có những mảng tối từ quản lý đến cơ cấu phân bổ vốn…

Cơ cấu phân bổ vốn chưa hợp lý
 
Những bất cập trong việc quản lý các doanh nghiệp FDI cũng như những bằng chứng về hậu quả xấu của các doanh nghiệp này đối với phát triển kinh tế - xã hội xuất hiện với mật độ nhiều hơn.
 
Điển hình như: gây ô nhiễm môi trường, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, nguồn vốn đưa ra từ nước ngoài vào Việt Nam là rất hạn chế, mà chủ yếu là lợi dụng nguồn vốn ở trong Việt Nam. Thậm chí, sự phát triển thiên về số lượng của doanh nghiệp FDI có nguy cơ gây thiếu hụt ngoại tệ và rủi ro tỷ giá trong tương lai.
 
Doanh nghiệp FDI: Bức tranh không chỉ màu sáng - 1
Còn nhiều mảng tối trong bức tranh FDI ở Việt Nam (ảnh minh họa)
 
Theo nhiều chuyên gia, cơ cấu phân bổ vốn FDI vào Việt Nam hiện nay còn chưa hợp lý. Hiện tại lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vốn FDI nhất, đứng thứ 2 là lĩnh vực bất động sản. Đầu tư vào khai thác tài nguyên và bất động sản cũng có xu hướng tăng lên.
 
Trong khi đó, FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đã bị giảm liên tục từ năm 2005 (từ 70,4% năm 2005 xuống còn 13,6% năm 2009). Thậm chí, vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào công nghiệp lắp ráp nhằm tận dụng lao động rẻ, có giá trị gia tăng thấp.
 
Tương tự, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có xu hướng giảm (năm 2006 chiếm khoảng 6% tổng vốn đăng ký, nhưng đến tháng 11/2008 chưa đạt tới 1%).
 
“Một cơ cấu đầu tư như vậy hoàn toàn khó có thể bảo đảm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng bền vững và chưa phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam” - chuyên gia của Vietnam Report nhận định.
 
Lợi nhuận và đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn còn hạn chế
 
Theo số liệu từ Bảng xếp hạng V1000 - Top 1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2010 công bố ngày 23/09/2010, tỷ lệ khối các doanh nghiệp FDI chiếm tới 31,3%, đóng góp trên 20.000 tỷ đồng thuế thu nhập trong 3 năm 2007-2009. Con số này rất đáng ghi nhận nhưng vẫn khiêm tốn nếu so sánh với tỷ trọng rất lớn của FDI trong các hoạt động kinh tế của Việt Nam.
 
Xét về tỷ trọng 1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập nhiều nhất trong 03 năm 2007 - 2009, nhóm các doanh nghiệp FDI đến từ khu vực châu Á và Đông Nam Á chiếm tỷ trọng lớn, tiếp theo là các doanh nghiệp đến từ châu Âu và Hoa Kỳ.
 
Tuy nhiên, các doanh nghiệp của một số nền kinh tế khác đang có lợi nhuận không lớn, thậm chí thua lỗ, và do vậy đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp còn hạn chế.
 
Số liệu thống kê của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả kinh doanh năm 2009 của doanh nghiệp FDI trên địa bàn cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp báo cáo thua lỗ. Đây là một kết quả không phải là bất thường so với những năm trước nên không thể đổ lỗi cho hậu quả của khủng khoảng kinh tế thế giới.
 
Mặc dù sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng (đặc biệt là điện năng), nhưng hiệu quả kinh tế và qua đó là đóng góp cho ngân sách một bộ phận doanh nghiệp FDI là rất hạn chế.
 
Giải thích về vấn đề này, chuyên gia của Vietnam Report cho rằng: nguyên nhân có thể là vấn đề chuyển giá và tránh thuế. Đây là một lo ngại đã có từ lâu nhưng dường như đang bộc lộ rõ hơn trong hoạt động của khu vực FDI.
 
Nhiều doanh nghiệp có vốn FDI đang gây thất thoát về nguồn thu thuế của Nhà nước qua hiện tượng chuyển giá trong hoạt động thương mại giữa nội bộ công ty nhằm chuyển thu nhập và lợi nhuận về nước.
 
Bằng việc định giá quá cao các nguyên liệu, máy móc nhập khẩu đầu vào từ công ty mẹ, trong khi lại bán hàng hóa sản xuất ra cho công ty mẹ với giá quá thấp, nên các doanh nghiệp này luôn ở tình trạng "thua lỗ", không những không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, mà còn được hoàn thuế giá trị gia tăng.
 
Bởi vậy, giải pháp được các chuyên gia kinh tế kiến nghị là: cần có sự thay đổi toàn diện về chiến lược thu hút và phát triển doanh nghiệp FDI. Tránh việc thu hút FDI tập trung vào số lượng, nhấn mạnh vào đóng góp về lượng của FDI với cái giá phải trả khá lớn về môi trường, tài nguyên và xã hội.
 
Trong đó, những nền kinh tế có các nhà đầu tư FDI  kinh doanh hiệu quả, đóng góp nhiều thuế thu nhập tại Việt Nam cần được coi là các đối tác chiến lược trong công tác hút đầu tư.
 
Lan Hương - An Minh