Doanh nghiệp dũng cảm mới dám "khai" mất phí không chính thức khi thông quan

(Dân trí) - “Bản thân doanh nghiệp (DN) cũng không dễ dàng chia sẻ những thông tin về chi phí không chính thức khi thông quan, chỉ có những DN thẳng thắn, dũng cảm mới dám trả lời”.

Đây là nhận xét của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi công bố Báo cáo Mức độ hài lòng của DN về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018.

Doanh nghiệp dũng cảm mới dám khai mất phí không chính thức khi thông quan - Ảnh 1.

Ông Tuấn hy vọng thời gian tới sẽ áp dụng kỹ thuật tốt hơn để khảo sát vấn đề nhạy cảm mà DN khó trả lời này. (Ảnh: Hồng Vân)

Cụ thể, ông Tuấn cho biết có 18% DN được khảo sát thừa nhận có phải chi trả chi phí không chính thức, giảm so với 28% của năm 2015. Số DN không biết và không muốn công bố thông tin này là 26%.

“Đáng mừng rằng có 56% DN không phải chi trả chi phí không chính thức. So với lần điều tra năm 2015 thì con số này chỉ đạt 37%, như vậy là đang có sự thay đổi tích cực”, ông Tuấn nói.

Trong đó, theo khảo sát, DN thừa nhận phải chi trả chi phí không chính thức cho thủ tục thông quan khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa, quản lý thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế,…

“Những hình ảnh kẹp tiền vào hồ sơ để “bôi trơn” đã tạo hình ảnh không hay cho ngành, tình trạng này vẫn còn đang diễn ra và cần có biện pháp khắc phục triệt để”, ông Tuấn khẳng định.

Về những kiến nghị cải cách, 70% DN cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục hơn nữa, 53% DN cho rằng nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, 48% DN cho rằng nên tăng cường quan hệ giữa hải quan và DN và 45% DN nghĩ nên tăng cường tính minh bạch.

Theo đó, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong kế hoạch phát triển trong những năm tới, Tổng cục sẽ quan tâm chống phiền hà sách nhiễu, quy định rõ ràng trong công tác thanh tra kiểm tra.

Hơn nữa, còn phải giảm việc kiểm tra bằng thủ công, nâng cao áp dụng biện pháp máy móc kỹ thuật, máy soi hành lý, camera giám sát để giảm thời gian thông quan và đồng thời cũng giám sát cán bộ hải quan.

“Cần trang bị hệ thống camera giám sát từ tổng cục xuống chi cục. Để cấp trên ngồi giám sát ở Tổng Cục cũng có thể quan sát được anh em bên dưới làm việc như thế nào”, ông Cường cho hay.

Thế nhưng, mặc dù ứng dụng công nghệ thông tin điện tử rất nhanh nhưng DN than rằng họ vẫn phải in hồ sơ để nộp cho cơ quan hải quan.

“25% DN cho biết họ vẫn phải cung cấp hồ sơ giấy. Thậm chí, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng còn mất thời gian gấp đôi khi bây giờ vừa phải làm hồ sơ trên cổng thông tin vừa phải làm bản giấy. Còn nhiều vấn đề khác về hệ thống nữa như trình độ của cán bộ, khó tra cứu kết quả, hỗ trợ chưa kịp thời,…”, ông Cường thẳng thắn nói.

Theo đó, ông Kim Long Biên, Phó Trưởng ban cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan cũng tự nhận rằng phần mềm của ngành hải quan còn nghẽn, chậm, đâu đó chưa tương thích với nhau.

“Đảm bảo trong năm nay Tổng cục Hải quan sẽ cải thiện về công nghệ để đỡ vất vả cho DN, cho cán bộ hải quan”, ông Biên khẳng định.

Hồng Vân

Doanh nghiệp dũng cảm mới dám khai mất phí không chính thức khi thông quan - Ảnh 2.