Doanh nghiệp đòi hỏi công khai, minh bạch để đảm bảo chất lượng của văn bản pháp luật

(Dân trí) - Trên thực tế vẫn còn có những văn bản được soạn thảo và ban hành chưa theo những qui định này hoặc chưa có đánh giá tác động kinh tế-xã hội của văn bản một cách toàn diện, khiến xảy ra tình trạng văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi vì không có tính khả thi, mâu thuẫn với các văn bản khác, hoặc tạo thêm những rào cản pháp lý mới cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Doanh nghiệp đòi hỏi công khai, minh bạch để đảm bảo chất lượng của văn bản pháp luật - 1

Xây dựng chính sách cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan

Trong buổi hội thảo về thực tiễn pháp luật kinh doanh tại Việt Nam vừa qua do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ Trong số những yếu tố đảm bảo chất lượng của một văn bản pháp luật, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng. Các giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân".

"Đặc biệt, những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi như các luật thuế thì không nên làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật.”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, trong việc thực thi pháp luật, đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có một yêu cầu rất quan trọng đó là tính dự đoán trong việc ban hành thực thi pháp luật để các nhà đầu tư không bị bất ngờ và “không kịp trở tay” khi chính sách thay đổi.

Cũng tại hội thảo, ở góc độ thực tiễn hơn, ông Mark Grillin, Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã lưu ý rằng, trong quá trình soạn thảo chính sách, các nhà soạn thảo trước hết cần xác định những mục tiêu cụ thể khi xây dựng chính sách, đồng thời, xác định các đối tượng liên quan, đảm bảo có sự tham gia của họ trong suốt quá trình xây dựng chính sách. Từ đó, xác định các giải pháp phù hợp, tránh các quy định mà thực tế cuối cùng hiệu quả bằng không do lợi ích mà chính sách mang lại đã bị triệt tiêu hoặc thậm chí còn nhỏ hơn những hệ quả không mong muốn mà chính sách gây ra.

Ví dụ rõ nhất là trong lĩnh vực thuế. Sự tham gia của các bên liên quan là cần thiết để đảm bảo tính thiết yếu và minh bạch trong quá trình soạn thảo văn bản pháp lý. Bởi lẽ, sự thay đổi của chính sách thuế như tăng thuế suất hoặc thuế bổ sung sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến doanh nghiệp. Việc tăng hoặc thêm thuế, về lý thuyết sẽ tăng thu ngân sách. Song trong nhiều trường hợp, sẽ khiến doanh thu của doanh nghiệp thấp hơn và chi phí hoạt động cao hơn, từ đó tác động xấu đến toàn bộ kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Chính sách không phù hợp – cả nền kinh tế bị ảnh hưởng

Theo các chuyên gia kinh tế, chất lượng văn bản pháp luật là rất quan trọng và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh. Tại những nền kinh tế đang phát triển, sự thay đổi của các chính sách, đặc biệt là các chính sách về thuế, có ảnh hưởng sâu rộng đến cả doanh nghiệp và người dân.

Một ví dụ điển hình, vào đầu năm 2019, chính phủ Indonesia đã phải thu hồi một chính sách về thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử do phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp số. Theo Quy định PMK 210/2018 của Bộ Tài chính (BTC) Indonesia, các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Indonesia sẽ phải kê khai thông tin chi tiết doanh thu của từng người bán hàng và báo cáo với cơ quan chức năng từ ngày 1/4/2019. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, BTC Indonesia đã phải ra quyết định thu hồi lại quy định này do nhận thấy cần thiết có sự phối hợp và thống nhất hơn nữa giữa các bên liên quan, đảm bảo quy định khi được đưa vào thực tế phải đúng mục tiêu, công bằng, hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Bộ trưởng BTC của Indonesia, Bà Sri Mulyani Indrawati thừa nhận việc ban hành quy định chính sách cần được xã hội hóa hơn nữa, tiếp nhận đầy đủ ý kiến đóng góp từ tất cả các bên liên quan.

Tương tự, tại Việt Nam, luật gia Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần luôn đảm bảo công khai, minh bạch quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật, nhất là các luật và chính sách về thuế, vì các chính sách thuế có tác động sâu rộng không chỉ đối với những đối tượng trực tiếp nộp thuế mà còn các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan.

Cụ thể, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì không chỉ người tiêu dùng và ngành công nghiệp nước giải khát bị ảnh hưởng mà 21 ngành công nghiệp phụ trợ và GDP cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó, phần thu từ việc áp thuế tiêu thụ 10% đối với sản phẩm có đường cũng không thể đạt 5.000 tỷ đồng như cơ quan soạn thảo đã ước tính.

Trung tâm Tư vấn Chính sách Thuế và Đầu tư Quốc tế (ITIC) cũng có những kết luận tương tự về tác động của chính sách thuế đối với đồ uống không cồn. Ông Wayne Barford, Cố vấn Cao cấp của Trung tâm nhấn mạnh không có thực tiễn hay thông lệ áp thuế quốc tế nào là mô hình kiểu mẫu tốt nhất để Việt Nam tham khảo mà cần phải cân bằng với tình hình thực tế về kinh tế xã hội ở Việt Nam, cụ thể là thực tiễn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt. Thuế làm giảm sức tăng trưởng của nền kinh tế, gia tăng các thủ tục quản lý, tiền đề tạo ra thất nghiệp trong rất nhiều trường hợp, giá thực phẩm tăng cao, và đặc biệt là không có bằng chứng nào trên thế giới thể hiện việc định hướng tiêu dùng với nước ngọt cho mục tiêu sức khỏe cộng đồng là có hiệu quả.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế New Zealand được tiến hành năm 2017 về đánh giá hiệu quả của thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống không cồn có đường đối với việc cải thiện sức khỏe người tiêu dùng đã chỉ ra rằng không thể xác định được mối quan hệ nhân quả giữa thuế và thói quen tiêu dùng, không thể khẳng định mối tương quan giữa thuế và hiệu quả sức khỏe, và không có chính sách thuế nào là tối ưu.

Tóm lại, mọi đề xuất thay đổi chính sách nên công khai, minh bạch và công bằng, đảm bảo có sự tham gia của các bên liên quan. Bởi nếu thiếu trưng cầu ý kiến ​​công chúng trong một quy trình xây dựng luật có thể tạo ra một luật không thành công và có những trường hợp Chính phủ phải thu hồi chính sách.

Hải Anh