1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp đe dọa môi trường không có “cửa” đầu tư vào Việt Nam

(Dân trí) - Chi phí bảo vệ môi trường thường đắt đỏ. Chẳng hạn, theo một tính toán, chi phí để tái chế 1 m3 nước bẩn đã qua quy trình sản xuất công nghiệp thường đắt gấp 3 lần chi phí để khai thác và sản xuất 1 m3 nước sạch dùng cho sinh hoạt. Chính vì vậy, nhiều đơn vị sản xuất, doanh nghiệp đã tìm cách trốn tránh trách nhiệm với môi trường.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường đồng thời có biện pháp mạnh tay với tội phạm môi trường.

Nhiều năm qua, tình trạng không xử lý được chất thải đã khiến nhiều làng nghề ở nước ta ô nhiễm nghiêm trọng. Theo một thống kê mới đây, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần. Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đã ở mức báo động từ khá lâu, song đến nay hầu hết các làng nghề vẫn chưa có công trình xử lý chất thải phù hợp.

Không nên đánh đồng tất cả các doanh nghiệp

Không chỉ có các làng nghề, mà không ít doanh nghiệp (DN) ngoài khu công nghiệp cũng đã bị lên án khi xả thải trực tiếp ra môi trường do không đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải. Việc đầu tư hệ thống xử lý hầu như mới chỉ tập trung ở các nhà máy sản xuất qui mô lớn, tập trung hoặc có nguy cơ ô nhiễm cao mới. Vì các chủ hạ tầng khu công nghiệp, chủ đầu tư dự án lớn mới có đủ điều kiện và tiềm lực để đầu tư những hệ thống xử lý môi trường đạt yêu cầu. Thực hiện theo Thông tư số 31/2016/TT – BTNMT, các khu công nghiệp lớn phải có hệ thống quan trắc tự động, online được các cơ quan báo chí, nhân dân giám sát. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, người dân sẽ không khó để phát hiện việc làm sai phạm. Điều đó cũng dễ dẫn đến hậu quả xấu cho doanh nghiệp như: sản phẩm bị tẩy chay, thậm chí là đóng cửa nhà máy.

Không tuân thủ các nguyên tắc về bảo vệ môi trường có thể sẽ khiến doanh nghiệp bớt được một số tiền không nhỏ tuy nhiên, những doanh nghiệp thành công luôn phải là những doanh nghiệp có triết lý kinh doanh định hướng ưu tiên bảo vệ môi trường và thực sự coi đó là động lực cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp và đất nước. Những nguyên tắc này giúp doanh nghiệp phát triển bền vững từ đó tạo nên uy tín.

Ở góc độ quản lý, Nhà nước cần tăng cường năng lực thể chế tạo sức ép và cả tạo thuận lợi tích cực cho các doanh nghiệp (không phân biệt ngành nghề, doanh nghiệp trong hay ngoài nước) tăng trách nhiệm, chủ động và cách thức hiệu quả bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát và thu hẹp cả về quy mô và cơ cấu các DN trong mọi lĩnh vực, mà có các hoạt động tạo nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh những biện pháp cứng rắn, chúng ta cũng cần tạo cơ hội và sự hỗ trợ tích cực cần thiết để mở rộng cửa, thu hút và phát triển các dự án đầu tư có sử dụng công nghệ cao, chủ động chào đón các DN có trách nhiệm và năng lực cao bảo vệ môi trường; không nên ngộ nhận, thậm chí đồng nhất các DN làm tốt công tác bảo vệ môi trường với các công ty mơ hồ hoặc lẩn trốn nghĩa vụ bảo vệ môi trường, dù là trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào được pháp luật cho phép...!

Xây dựng trách nhiệm xã hội của DN với môi trường nhằm tăng cường cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và không kém phần quyết liệt nhằm khẳng định các giá trị chuẩn quốc gia, hình thành môi trường kinh doanh thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và cả quản lý Việt Nam...!

Để củng cố, hoàn thiện uy tín doanh nghiệp, Nhà nước nên tôn vinh các doanh nghiệp bền vững, nghiêm túc tuân thủ việc xử lý chất thải ra môi trường. Đồng thời có hàng rào kỹ thuật kiểm soát các thông số môi trường của các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam.

Tăng cường giám sát của Nhà nước với hoạt động môi trường

Về bản chất, DN dù là trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài, đều là thực thể kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, nên DN sẽ khó hoặc không tự nguyện và tự nhiên coi bảo vệ môi trường là mục đích tự thân, mục đích cao nhất của mình, nếu không có luật pháp và các thể chế kinh tế xã hội và cạnh tranh thị trường tương ứng định hướng và buộc DN tuân thủ.

Điều đó có nghĩa cần có cả hệ thống pháp luật, sự đồng bộ và vận hành đầy đủ các thể chế thị trường lành mạnh, cũng như dư luận xã hội tạo áp lực để DN tự nhận thức, điều chỉnh hành vi, xây dựng và thực thi các quy định nội bộ thực sự coi trọng việc bảo vệ môi trường.

Nhà nước kiến tạo cần và có đủ năng lực đảm nhận vai trò một nhà tổ chức môi trường kinh doanh để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thực sự coi đó là mục tiêu, động lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Từ năm 2005, Việt Nam đã có giải thưởng "Trách nhiệm xã hội hướng tới sự phát triển bền vững" được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương cùng các hiệp hội Da giày, Dệt may nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hội nhập.

Ngày 25 tháng 9 năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và ngày 20 tháng 3 năm 2014, ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 hàng năm là “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và chỉ đạo tổ chức “Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam” thường niên theo Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) với 134 tiêu chí trên 3 lĩnh vực kinh tế-xã hội-môi trường nhằm khích lệ và vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt 17 mục tiêu phát triển bền vững như một yêu cầu và xu hướng cấp thiết mang tính toàn cầu, đã được 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 2015.

Đồng thời, từ 1/1/2018 Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam có hiệu lực bắt đầu xử lý hình sự đối với tội các tội phạm môi trường; Đây là một bước tiến mới của pháp luật Việt Nam tiệm cận với luật pháp quốc tế. Luật không phân biệt quy mô, tính chất sở hữu và phạm vi hoạt động của DN, mà sẽ nghiêm trị các hành vi cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và sẽ có khoan hồng với các hành vi tích cực hợp tác giải quyết, chủ động ngăn chặn hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả xảy ra đối với môi trường.

Như vậy, có thể thấy, từ năm 2018 là thời điểm chấm dứt những ngộ nhận dễ dãi và sự lỏng lẻo trong kiểm soát môi trường; khởi đầu cho tư duy mới, với thông điệp chung nổi bật cho DN thời hội nhập là: Trách nhiệm bảo vệ môi trường là thước đo và bộ lọc mới trong thu hút và hỗ trợ đầu tư.

Trước đây, nhiều dự án FDI đưa vào dây chuyền công nghệ lạc hậu, chưa tự giác trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nên có tác động tiêu cực đến môi trường, như công ty Vedan tại Đồng Nai, công ty Tung Kuang tại Hải Dương, công ty Long Tech tại Bắc Ninh. Những công ty này đã bị xử lý nghiêm khắc, bị dư luận xã hội lên án thì hiện nay đã phải khắc phục những sự cố gây ra. Đây sẽ là bài học nhãn tiền để những doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật Việt Nam.

TS. Nguyễn Minh Phong
Phó Ban tuyên truyền lý luận-Báo Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm