1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp đã lạc quan hơn vào sự tăng trưởng kinh tế

(Dân trí) - Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng 4 điểm trong quý II năm nay cùng với thông tin về sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhưng với tốc độ chậm hơn cho thấy, các doanh nghiệp đã lạc quan hơn vào sự tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số kinh doanh tăng trở lại

Sáng nay 1/8, Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính WVB Việt Nam công bố kết quả cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh quý II/2013. Cuộc khảo sát này được tiến hành trong tháng 7, với 139 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam, trong đó có hơn 78% đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo đó, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2013 đạt 118 điểm, tăng 4 điểm so với quý I và tăng 35 điểm so với Quý IV/2012. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã lạc quan hơn vào sự tăng trưởng kinh tế năm 2013. Kết quả này cũng phần nào phản ánh sự cải thiện của niềm tin kinh doanh của các chủ doanh nghiệp trong nước vào những tháng đầu năm qua.

Trong đó, có 58% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng nền kinh tế chung của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn so với 12 tháng trước, 34% cho rằng điều kiện kinh tế của Việt Nam vẫn giữ nguyên và 8% cho rằng điều kiện kinh tế có phần kém hơn so với 12

Dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam 12 tháng tiếp theo, 58% doanh nghiệp tin rằng trong vòng 12 tháng tới nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn. 33% doanh nghiệp đánh giá là giữ nguyên, chỉ có 9% lo lắng về tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013 là kém hơn.

Đây là 2 trong 3 cấu phần có biến động góp phần làm tăng nhẹ chỉ số BCI quý này so với quý I năm 2013. Cùng với đó, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn trong vòng 12 tháng tới, 32% doanh nghiệp cho rằng doanh thu của mình sẽ giữ nguyên và chỉ có 16% doanh nghiệp lo ngại về con số doanh thu của mình trong 12 tháng tới.

Dù chỉ số niềm tin kinh doanh quý II đã tăng lên đáng kể so với quý IV/2012, nhưng theo đánh giá của đơn vị khảo sát, năm 2013 vẫn là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Để hồi phục lại nền kinh tế so với trước đây, thì chặng đường phía trước còn dài. Vì vậy, việc giảm chi đầu tư cho tài sản cố định chiếm 39% và có tới 62% doanh nghiệp không có kế hoạch tăng nhân lực trong thời gian tới để cắt giảm chi phí, tái đầu tư cho sản xuất là việc làm cần thiết cho các doanh nghiệp trong thời gian hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất (ảnh minh họa).

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất (ảnh minh họa).

Sản lượng, đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ chậm hơn

Cũng trong sáng nay, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với Công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 7/2013.

Theo công bố này, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 7 mặc dù với tốc độ chậm hơn khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới giảm yếu hơn và việc làm không có thay đổi. Biên lợi nhuận vẫn chịu áp lực khi giá xuất xưởng tiếp tục giảm, nhưng giá đầu vào lại tăng nhanh hơn.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được HSBC và Markit Economics điều chỉnh theo mùa. Đây là một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất, với tháng 7 có kết quả 48,5 điểm. Tháng 7 này tuy đã có cải thiện hơn so với mức 46,4 điểm của tháng 6 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm, biểu thị lĩnh vực sản xuất giảm sút ba tháng liên tiếp.

Dữ liệu tháng 7 cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới thực giảm một phần chịu ảnh hưởng bởi mức giảm số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và ở tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm.

Về khía cạnh việc làm, các nhà sản xuất Việt Nam đã không thay đổi số lượng việc làm trong tháng 7, sau khi giảm trong hai tháng trước đó. Trong khi một số thành viên nhóm khảo sát cho rằng họ đã tăng số lượng nhân công để thúc đẩy sản xuất, những thành viên khác lại cắt giảm việc làm trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới bị giảm.

Giá cả đầu ra tiếp tục bị giảm trong tháng 7 - tháng thứ tư liên tiếp chứng kiến mức giá trung bình giảm. Giảm giá bán đã phản ánh tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường và những nỗ lực thúc đẩy bán hàng. Có một số bằng chứng cho thấy giá cả đầu ra đã phải giảm để giúp giải phóng hàng tồn kho tại các nhà máy.

Ngược lại giá cả đầu vào lại tiếp tục tăng. Tăng giá đầu vào đã được ghi nhận bảy tháng liên tiếp khi mà hạn chế nguồn cung hàng hóa đầu vào đã góp phần đẩy giá lên cao.

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, đại diện Ngân hàng HSBC cho rằng: “Hoạt động sản xuất ở Việt Nam tiếp tục suy giảm do các điều kiện yếu kém cả ở trong nước và nước ngoài. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới sụt giảm chủ yếu là do nhu cầu ở Trung Quốc yếu kém.

Tuy nhiên, các điều kiện bên ngoài có thể sẽ được cải thiện trong quý IV khi nhu cầu ở Mỹ, Nhật Bản, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc có thể sẽ phục hồi. Trong khi viễn cảnh đó sẽ hỗ trợ phần nào thì đa số những yếu kém của Việt Nam là do những vấn đề nảy sinh ở trong nước và đòi hỏi cải cách phải được thực hiện nhanh hơn”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm