Doanh nghiệp chờ đợi gì ở Hiệp định thương mại tự do VCUFTA?
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu (VCUFTA) đã chính thức được ký kết cuối tháng 5 vừa qua, mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc khối này.
Ưu đãi thế nào?
Cho đến nay, các nội dung cam kết giữa hai bên đã được công bố rộng rãi, trong đó đáng chú ý nhất là các cam kết về hàng hóa. Cụ thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Các quốc gia thuộc khối Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi về thuế quan đặc biệt với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản. Cụ thể, tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, da giày cũng hưởng thuế suất 0%, dệt may có 1 số nhóm hàng cũng giảm thuế 0% còn 1 số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm.
Trong khi đó, phía Việt Nam cũng đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho EEU đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải...
Theo phân tích của Trung tâm WTO thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Việt Nam hiện đang cùng lúc đàm phán rất nhiều FTA với các đối tác lớn, tuy nhiên Hiệp định này đang mang lại cho các doanh nghiệp rất nhiều kỳ vọng bởi khối này, đặc biệt là thị trường Nga là một thị trường rộng lớn mà hiện vẫn tương đối đóng cửa đối với hàng hoá nước ngoài. Dù đã gia nhập WTO nhưng mức thuế nhập khẩu trung bình vào Nga vẫn còn là cao, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thông hàng rào thuế quan cao này
Bên cạnh đó, việc Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của khối này cũng là một lợi thế khi mà khối này đã từng đàm phán FTA với một số nước nhưng không đạt được tiến triển và bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Một lý do khác là cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và Liên minh hải quan là tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp nên những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được giảm bớt nhiều.
Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu
Trả lời báo chí ngay sau khi Hiệp định được ký kết cuối tháng 5/2015 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng việc có tới 90% số dòng thuế của hai bên và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên tính mốc từ năm 2014 sẽ được mở cửa và tự do hóa là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu chúng ta khai thác được, tận dụng được cơ hội này thì hợp tác thương mại đầu tư của Việt nam với các nước khác của Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn trong thời gian tới.
Một ví dụ được người đứng đầu ngành công thương nêu lên là kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện chỉ đạt 4 tỷ USD/năm. Nếu thực hiện theo Hiệp định thì dự kiến đến năm 2020, kim ngạch này dự kiến sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng lưu ý rằng hàng Việt hiện vẫn còn một số điểm yếu cần khắc phục nếu muốn “thắng trên sân khách”, chẳng hạn có không ít sản phẩm của Việt Nam tính ổn định chưa cao, không duy trì được chất lượng như ban đầu. Thị trường liên minh kinh tế Á – Âu cũng không phải là một thị trường dễ tính để có thể xem nhẹ chất lượng mẫu mã của sản phẩm mà ngược lại đối với nhiều nước của Liên minh trong đó có Liên bang Nga có yêu cầu không kém gì như một số nước đang phát triển về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nhất là những hàng hóa liên quan đến sức khỏe của con người.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các khó khăn khác như khoảng cách khá xa về địa lý cũng là một rào cản, khiến chi phí về vận tải đội lên, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt. Hệ thống ngân hàng của các nước Liên minh kinh tế Á - Âu đang trong quá trình phát triển nhưng so với Ngân hàng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì có chênh lệch, do đó vấn đề thanh toán cũng có thể gặp phải những khó khăn nhất định.
Nước đã đến chân
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao cho các Bộ, các ngành trong đó có ngành công thương là Bộ đầu mối về hợp tác kinh tế quốc tế là công tác thông tin tuyên truyền nói chung, trong đó có Hiệp định thương mại tự do ký với các nước Liên minh kinh tế Á Âu. “Thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã làm nhưng thẳng thắn nhìn nhận nó vận chưa đạt được mong muốn. Các cuộc điều tra, khảo sát đã đưa ra những con số phản ánh rằng doanh nghiệp hiểu rất ít những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các Hiệp định thương mại tự do trong đó có Hiệp định chúng ta ký với Liên minh kinh tế Á – Âu”, Bộ trưởng nói.
Đó là lý do tại sao ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc để tiến hành ngay các hoạt động xúc tiến thương mại. Một trong những điểm nhất quan trọng sẽ được tiến hành cuối năm nay chính là Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ được tổ chức tại Trung tâm thương mại Hà Nội – Matxcova. Hiện nay, Ban tổ chức đã và đang tiếp nhận hàng loạt đơn đăng ký tham gia sự kiện quan trọng này.
Mới đây, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Trung tâm Thương mại Hà Nội – Mátxcơva (Incentra), Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội nghị phổ biến và triển khai kế hoạch tham gia hội chợ này. Theo các chuyên gia, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam quảng bá sản phẩm thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tiếp cận trực tiếp và tìm kiếm khách hàng tiềm năng, từng bước xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối tại chỗ, làm quen thị trường, tìm hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng và sức mua của khách hàng cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa tại Nga, giới thiệu và quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng Liên bang Nga.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ sẽ đồng hành hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong phạm vi chức năng của mình thông qua việc cùng tham gia tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tổ chức triển lãm, hội chợ và các đoàn đi thực tế các nước. Thậm chí; Bộ cũng có thể tham gia cùng đàm phán về những vấn đề nội dung có liên quan đến một hợp đồng cụ thể mà doanh nghiệp của Việt Nam có quan hệ với doanh nghiệp của Liên minh kinh tế Á - Âu.
“Thực tế trong những thương vụ làm ăn đó, doanh nghiệp rất cần tư vấn của cơ quan nhà nước, nhất là Bộ Công Thương và chúng tôi sẽ rất sẵn sàng. Trong việc thực thi Hiệp định, những vướng mắc cũng có thể phát sinh và khi đó chúng tôi sẽ cùng phối hợp với các cơ quan trong nước và các cơ quan của Liên minh kinh tế Á Âu để xử lý thỏa đáng theo tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên có liên quan”, Bộ trưởng cam kết.
"Hội chợ - Bán hàng Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015” là sự kiện trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Hiệp định FTA đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành phối hợp tổ chức cùng trong năm như Những ngày Hà Nội tại Moscow, Hội nghị về thanh toán song phương giữa Việt Nam và LB Nga và Hội nghị doanh nhân toàn cầu. Với một ban tổ chức rất hùng hậu bao gồm Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Đại sứ quán VN tại LB Nga, UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM, BIDV, Công ty Incentra và Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp VN tại LB Nga. Chi tiết xin liên hệ 096 5945666 hoặc truy cập hoicho2015.incentra.com.vn" |
Hoài Ngân
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Kinh tế, quý độc giả có thể gửi đến ban Kinh tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email kinhdoanh@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |