Doanh nghiệp chịu thêm "cú đấm bồi" từ Covid-19: Cần gói hỗ trợ mới?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Với làn sóng Covid-19 mới vô cùng phức tạp, doanh nghiệp lại nhận thêm "cú đấm bồi" dù đã rất khó khăn. Ổn định chính sách thuế phí, xem xét gói hỗ trợ... là những giải pháp được bàn tới.

Xem xét tiếp tục khảo sát, hỗ trợ doanh nghiệp

Báo cáo "Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vừa qua cho thấy đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.

Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Theo thống kê, năm 2020 có hơn 101.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.

Sang quý I năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,4%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 15,6%; số doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, trung bình, mỗi tháng có 13.400 doanh nghiệp rời thị trường.

Doanh nghiệp chịu thêm cú đấm bồi từ Covid-19: Cần gói hỗ trợ mới? - 1

Tác động của dịch bệnh theo quy mô doanh nghiệp tư nhân. Nguồn: Báo cáo "Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" do VCCI và WB thực hiện.

Với làn sóng mới Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam lại nhận thêm một "cú đấm bồi" trong tình cảnh vốn đã rất khó khăn. Dự báo tác động của đợt dịch này là không hề nhỏ.

Vậy giải pháp gì để "khoan sức" doanh nghiệp, giúp họ có "sức khỏe" để chống chọi với bối cảnh khắc nghiệt hiện nay?

Trao đổi với Dân trí, GS.TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới cho rằng, điều quan trọng cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát được dịch. Cách chống dịch tốt nhất là vắc xin, hy vọng Nhà nước triển khai chương trình này một cách có hiệu quả.

"Nếu dịch cứ lan rộng, ngày một phức tạp thế này thì doanh nghiệp thi nhau phá sản là điều dễ hiểu. Doanh nghiệp "chết", lao động thất nghiệp, thu nhập giảm lại tiếp tục tác động trở lại nền kinh tế, doanh nghiệp", ông Lược nói.

Cũng theo ông Lược, bên cạnh việc "tấn công" kiểm soát dịch, cần có các gói hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó việc tính toán, xem xét chính sách giảm bớt thuế phí cho những đối tượng phù hợp được xem xét cẩn trọng. Nếu không giảm, miễn thuế thì cũng không nên tăng thuế trong bối cảnh hiện nay.

"Hỗ trợ ai, hỗ trợ bao nhiêu, giảm cho ai, miễn cho ai, cần có những đánh giá cụ thể. Việc hỗ trợ cũng cần dựa trên sự cân đối cùng với những khảo sát cụ thể. Xem doanh nghiệp nào khó khăn, cần hỗ trợ những gì chứ không chung chung, đồng đều", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Một số chuyên gia khác cũng nhấn mạnh đến việc tiếp cải cách thể chế kinh tế. Trong điều kiện lý tưởng, khi dịch bệnh Covid-19 đã hoàn toàn được kiểm soát, có thể rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung cải cách thể chế kinh tế.

Theo khảo sát của VCCI, hầu hết doanh nghiệp cũng có kiến nghị các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025.

Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.

Tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp hồi phục thời Covid-19

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã và đang lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid - 19 bằng biện pháp ưu đãi thuế.

Thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế xã hội; có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì việc xây dựng chính sách thuế như thế nào cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Doanh nghiệp chịu thêm cú đấm bồi từ Covid-19: Cần gói hỗ trợ mới? - 2

Miễn giảm thuế cũng là kiến nghị phổ biến nhất khi có tới 1.560 lượt doanh nghiệp đề cập đến trong khảo sát của VCCI mới đây.

Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam: Hướng tới một hệ thống thuế công bằng" do VEPR tổ chức, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự trong ASEAN, nhưng tỷ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất.

"Điều này cho thấy gánh nặng thuế tại Việt Nam đang rất cao và cần có sự thay đổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, cần phải xây dựng cải cách thuế hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu", chuyên gia VEPR nhấn mạnh.

Miễn giảm thuế cũng là kiến nghị phổ biến nhất khi có tới 1.560 lượt doanh nghiệp đề cập đến trong khảo sát của VCCI mới đây. Cụ thể, do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp đề nghị Nhà nước tính toán giảm thuế cho doanh nghiệp hoặc thậm chí miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất 1 năm nữa.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng đề xuất cần miễn giảm cả thuế môn bài, thuế khoán cho những hộ kinh doanh nhằm vực dậy khu vực này đồng thời khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến nhóm giải pháp về thuế là đề xuất giãn thuế, gia hạn nộp thuế có 316 lượt doanh nghiệp đưa ra kiến nghị đề cập đến nội dung này. Các loại thuế được đề nghị gia hạn nộp gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và cả các loại thuế thu nhập của hộ kinh doanh.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", nhiều đại doanh nghiệp mong muốn một số chính sách hỗ trợ cần kéo dài thời gian dài hơn bởi tác động của đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến 1-2 năm tiếp theo nên cần có các giải pháp giúp doanh nghiệp dần dần phục hồi. Các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phục hồi của các doanh nghiệp, đặc biệt là duy trì chính sách thuế ổn định, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới như một biện pháp "khoan sức" cho doanh nghiệp trước khó khăn đại dịch.