1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp bị hại từ gian lận bảo hiểm

Hành vi khai gian của khách hàng để đòi bồi thường, nếu không được nhà bảo hiểm chấp thuận thì họ cũng không bị xử lý. Đây chính là kẽ hở quan trọng khiến số vụ việc trục lợi bảo hiểm gia tăng đáng kể với nhiều “chiêu trò” mới…

Doanh nghiệp bị hại từ gian lận bảo hiểm
Việc xác định đúng hiện trường xảy ra tổn thất sẽ giúp doanh nghiệp tránh được trục lợi từ việc bán bảo hiểm (ảnh minh họa)
 
Đốt xe để được… bảo hiểm

Cách đây không lâu, công ty bảo hiểm SVIC đã “thoát nạn” một vụ gian lận trong bồi thường tổn thất xe cơ giới lên tới trên 600 triệu đồng. Trước đó, đại lý bảo hiểm SVIC tại Vĩnh Phúc đã bán bảo hiểm xe ô tô cho một khách hàng mang biển số 88-… với việc thanh toán phí diễn ra vô cùng nhanh chóng. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, khách hàng thông báo xe bị tai nạn.

Nhận thấy sự việc có “vấn đề”, công ty bảo hiểm SVIC đã cử cán bộ có kinh nghiệm đi điều tra xác minh và phát hiện bản ảnh hiện trường tai nạn (tại Than Uyên, Lai Châu) do chủ xe cung cấp có dấu hiệu sử dụng photoshop.

Cụ thể, hình ảnh được dựng lại bằng cách ghép ảnh xe tổn thất vào hiện trường đường quanh co tại Lai Châu, vật cố định thể hiện trong ảnh không phù hợp với dấu vết tổn thất trên thân xe.

Bên cạnh đó, chủ xe đã cố tình khai báo địa điểm tai nạn xa địa chỉ của chi nhánh của đơn vị mua bảo hiểm. Cùng với việc thông qua các mối quan hệ kinh doanh, công ty bảo hiểm SVIC đã xác định được vị trí xe từng gây tai nạn trước khi mua bảo hiểm, SVIC đã đủ cơ sở thông báo từ chối bồi thường.

Mới đây, báo chí cũng đã lên tiếng về một trường hợp gian lận nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới. Đó là trường hợp ô tô chở khách mang biển số 35N… của chị L. ở TP Nam Định. Sau khi mua, nhận thấy giá trị xe tham gia bảo hiểm đến 400 triệu đồng, gấp đôi giá trị thực tế, chị L. đã chủ mưu cùng lái xe và lơ xe điều xe về đậu ở bãi đất trống của người quen ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, đợi đến nửa đêm cho hai người nọ lén ra đốt xe.

Sáng hôm sau, chị đến DN bảo hiểm đòi bồi thường tổn thất toàn bộ xe với số tiền 400 triệu đồng. Nhận thấy vụ việc đáng ngờ, phía doanh nghiệp đã điều tra và xác định được việc chủ xe tự đốt xe nhằm trục lợi bảo hiểm. Bị lật tẩy, chị L. đành xin rút yêu cầu bồi thường và chấp nhận thiệt hại…

Lỗ hổng pháp lý – doanh nghiệp thiệt hại

Doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ, gian lận trong bảo hiểm xe cơ giới xuất hiện ở nhiều công đoạn: từ khai thác, giám định, sửa chữa và xét bồi thường. Chuyện phổ biến trong hình thức gian lận là xe tổn thất rồi mới mua bảo hiểm, bên bán vẫn bán bảo hiểm, rồi chủ xe vẫn xin được kết luận của người có thẩm quyền ghi ngày xe bị tai nạn theo kiểu: “Theo khai báo của lái xe, xe bị tai nạn ngày…”. Rồi tổn thẩt nhẹ được giám định ghi thành nặng, rồi nếu phải thay thế phụ tùng, gara sẽ báo giá trên trời…

Theo đánh giá của Cục quản lý giám sát bảo hiểm, tình hình gian lận trong bảo hiểm ngày càng tăng về số lượng với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người tham gia bảo hiểm chân chính. Chỉ tính riêng số vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện trong giai đoạn 2007 - 2011 là hơn 44.000 vụ, với tổng số tiền hơn 410 tỷ đồng.

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có những quy định cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở để từ chối bồi thường hay hủy hợp đồng khi phát hiện có những hành vi gian dối, trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên việc giải quyết như vậy vẫn chỉ nằm trong khuôn khổ các quan hệ dân sự, và cơ quan công an có quyền từ chối cung cấp thông tin với lý do đó là quan hệ dân sự giữa doanh nghiệp với khách hàng.

Đại diện đơn vị bán bảo hiểm, ông Trần Đỗ Thành - Ủy viên hội đồng quản trị Tổng công ty CP bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC) cũng bổ sung thêm: “Theo quy định của BLHS, do những hành vi trên chưa cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi đó chưa để lại hậu quả là lấy được tiền bảo hiểm nên chưa thể bị coi là phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.”

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cần có những biện pháp chế tài mạnh hơn đối với hành vi trên của người được bảo hiểm cũng như những cá nhân, tổ chức liên quan tạo điều kiện để người được bảo hiểm hợp thức hóa các chứng từ giả mạo nhằm trục lợi bảo hiểm.

“Hạn chế được rủi ro trong gian lận thì không chỉ doanh nghiệp mà cả những khách hàng chân chính cũng sẽ nhận được quyền lợi thỏa đáng từ những doanh nghiệp bán bảo hiểm chuyên nghiệp.” – đại diện SVIC khẳng định.

Bằng Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm