Doanh nghiệp bất động sản chật vật tuyển môi giới

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Tuyển dụng nhân sự trở thành vấn đề đau đầu với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phục hồi hậu Covid-19. Tuyển dụng nhân viên kinh doanh một số nghề như bất động sản lại càng khó hơn.

Khó tuyển dụng, khát nhân sự

Trong hội nhóm, diễn đàn tuyển dụng, nhiều bạn trẻ mới ra trường đi tìm việc thường hay có câu "đông y, bảo hiểm, bất động sản né ra giúp em" với lý do sợ bị lừa đảo, áp lực, ngại doanh số, không có lương…

Nhiều nhà tuyển dụng cũng than thở việc khó khăn trong việc tuyển nhân sự kinh doanh, môi giới. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế phục hồi hậu Covid-19 hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của nhiều sàn, doanh nghiệp rất lớn, song để đáp ứng thì không có nhiều, thậm chí có nơi tuyển liên tục, vì nhân sự thiếu lại không "trụ" được lâu.

Doanh nghiệp bất động sản chật vật tuyển môi giới - 1

Sau thời gian tăng giá mạnh, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Điều này khiến không ít người phải bỏ nghề, trong khi việc tuyển mới thì còn nhiều khó khăn (Ảnh: Hà Phong).

Nguyệt Anh (24 tuổi) từng là một môi giới bất động mảng thổ cư. Cô chia sẻ, trong 2 tháng thử việc được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng để chạy quảng cáo, đến hết thời gian thử việc thì không được hỗ trợ nữa.

"Mới ra trường, không có kinh nghiệm, không chốt được khách, công ty không hỗ trợ lương, tôi phải xin thêm tiền của gia đình để chạy quảng cáo. Môi giới bất động sản là công việc yêu cầu kỹ năng cao, không đơn giản như tôi hay nhiều người trước đây nghĩ", Nguyệt Anh giãi bày và cho rằng nhiều người trẻ từ chối làm bất động sản "không có gì khó hiểu cả".

Văn Thủy làm môi giới bất động sản gần 3 năm. Mặc dù thu nhập ở mức tốt song Thủy khẳng định "nếu ai nghĩ môi trường bất động sản dễ kiếm tiền thì sai lầm". Đầu vào ngành này, theo Thủy, không hề khắt khe, nhưng quá trình làm việc thì đào thải rất mạnh. "Ai theo được nghề thì thu nhập khá lắm, thậm chí còn giàu. Ngược lại sẽ bị đào thải rất nhanh. Đó là lý do nhiều bạn nghe tới bất động sản thì "chạy mất dép", Thủy nói.

Thủy cũng cho rằng, không riêng gì bất động sản, ngành nào hoa hồng, chiết khấu cao thì công việc càng khó, càng áp lực. Bởi nếu dễ thì cả xã hội lao vào làm. "Ai làm tuyển dụng ngành này sẽ thấy "khát" nhân sự như thế nào. Nhan nhản các công ty bất động sản đua nhau tuyển dụng nên tuyển khó là dễ hiểu", Thủy nói.

Chuyên gia Phan Công Chánh cũng cho rằng, nghề môi giới bất động sản là nghề có vòng đời ngắn, tỷ lệ thải loại cao. 80% nhân sự môi giới sẽ chọn một công ty khác chỉ sau một năm làm việc. Theo chuyên gia, nghề môi giới bên ngoài khiến nhiều người nghĩ rất dễ dàng nhưng thực tế lại vô cùng khắc nghiệt. Không ít người vỡ mộng khi đi vào thực tế.

Đối mặt thêm nhiều khó khăn

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến năm 2020, cả nước có hơn 1.600 sàn giao dịch bất động sản hoạt động. Đến giữa năm nay có khoảng 90% số sàn giao dịch đã trở lại hoạt động sau một thời gian đóng cửa, tạm dừng vì Covid-19, đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động.

Tuy nhiên, theo khảo sát, dù đã mở cửa hoạt động trở lại, nhưng kế hoạch tăng tốc hậu đại dịch của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó do cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng môi giới.

Một số người chọn cách về quê để vừa giảm tải cảnh vật giá leo thang, trong khi thu nhập không đảm bảo. Một số bám trụ lại các thành phố lớn, nhưng chuyển sang những công việc khác khi thị trường ảm đạm, trầm lắng, thanh khoản kém.

Sau thời gian tăng giá mạnh, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Trong 2 tháng qua, thị trường lộ rõ sự hạ nhiệt và càng ngày càng rõ ràng hơn, khiến không ít người phải bỏ nghề, trong khi việc tuyển mới còn nhiều khó khăn.

Thị trường càng ảm đạm, yêu cầu về việc tuyển dụng những môi giới "thạo nghề" lại càng cao, song số nhân lực này vốn đã ít ỏi lại thường chọn làm tự do thay vì trong khuôn khổ một doanh nghiệp. Đặc biệt ở những thời kỳ sốt đất, lực lượng môi giới tự do rất đông đảo.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trên thực tế, ngoài các nhà môi giới được đào tạo, cấp chứng chỉ, hoạt động độc lập hoặc hoạt động theo tổ chức (doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản) thì còn một lượng lớn cá nhân làm trung gian mua, bán bất động sản tự do, mà thường được gọi là "cò đất".

Không chỉ cạnh tranh mạnh mẽ trong mảng môi giới, nhiều sàn còn lo cạnh tranh việc thu hút nhân sự với các chủ đầu tư. Bởi không ít trường hợp các chủ đầu tư bất động sản tự "nuôi" mảng môi giới, tuyển dụng ồ ạt. Cuộc đua tuyển dụng ngành bất động sản ngày càng khốc liệt.

Thu hút, giữ chân người lao động thế nào?

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Thành Dũng - Chủ tịch Công ty Bất động sản Thiên Khôi - cho biết, tuyển dụng khó hay dễ tùy thuộc vào cơ hội mà doanh nghiệp đem lại cho người lao động. Cơ hội ở đây bao gồm về giá trị công việc, thu nhập và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.

So với giai đoạn trước, theo ông Dũng, hiện nay thị trường tuyển dụng nhìn chung khó khăn hơn nhưng công ty ông vẫn duy trì bình thường. "Như tôi nói, khó khăn hay không tùy từng doanh nghiệp, nếu trao cho người lao động cơ hội tốt thì người ta vẫn vào. Ngoài ra, cũng tùy từng phân khúc nữa", ông Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản dự án hiện nay khó khăn hơn so với phân khúc thổ cư.

Theo vị này, thị trường chững lại, mảng bất động sản dự án, vùng ven khó khăn, khó thanh khoản. Khi thị trường gặp khó, không bán được thì sẽ tác động ngược lại môi giới, khiến họ khó khăn và từ bỏ nhiều hơn. Đứng trước khó khăn khi thị trường hạ nhiệt, thanh khoản chậm lại, ông Dũng cho biết, những môi giới mới vào nghề dễ dịch chuyển, nhảy việc, còn những người cũ, gắn bó với nghề thì thường vẫn có xu hướng duy trì.

Chia sẻ về giải pháp để thu hút, giữ chân người lao động, ông Dũng nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất vẫn là vấn đề cơ hội thu nhập và sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng phân hóa khá rõ rệt, đó là nhân sự những doanh nghiệp có chế độ thu nhập tốt, có sự hỗ trợ tốt thì nhân sự ổn định, không khó khăn nhiều trong việc tuyển dụng, còn ngược lại, doanh nghiệp sẽ khó khăn.

"Bán hàng có khó hay dễ thì thứ nhất là yếu tố thị trường, thứ hai doanh nghiệp đó có nguồn hàng hay không, hàng có thanh khoản tốt không. Nếu thanh khoản không tốt thì khó bán, lại không nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống, doanh nghiệp thì sao môi giới trụ được? Họ phải tìm cơ hội tốt hơn thôi", ông Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại nhấn mạnh sự đề cao vai trò của môi giới để tăng sức hút hơn với ngành này. Theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản, lực lượng hành nghề môi giới bất động sản hiện có khoảng 300.000 người tham gia. Mỗi năm lực lượng này kết nối cung cầu thành công, hàng năm lên tới trăm ngàn sản phẩm bất động sản, với giá trị sản lượng ước đạt khoảng nửa triệu tỷ đồng.

Ngày nay, rất hiếm dự án bất động sản chào bán trên thị trường mà không phải do các đơn vị phân phối, sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hội Môi giới, nhiều khách hàng, người tiêu dùng chưa thật sự coi trọng, tôn trọng môi giới bất động sản.

"Chỉ coi họ là người có thông tin, giới thiệu và chỉ trỏ. Rất ít khách hàng có khái niệm môi giới bất động sản là người được giao làm đại diện ủy thác của họ. Để thực hiện tác nghiệp tìm kiếm sản phẩm bất động sản phù hợp, đánh giá, định giá pháp lý, chất lượng, giá trị thương thảo và hoàn tất mọi thủ tục giao dịch đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho mình", lãnh đạo Hội môi giới chia sẻ.

Mặc dù việc đăng thông báo tuyển dụng nhân sự với nhiều đãi ngộ hấp dẫn được nhiều sàn giao dịch, công ty bất động sản liên tục thực hiện trong thời gian gần đây, nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể tuyển dụng đủ số lượng nhân viên về công ty mình. Việc nâng cao vị thế và làm "đẹp" hơn hình ảnh môi giới cũng là một giải pháp được một số chuyên gia nhắc tới để đảm bảo thị trường lao động lĩnh vực này hấp dẫn hơn.