1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp bảo hiểm chuẩn bị lên sàn

Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) khẩn trương tiến hành các thủ tục để đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội ngay trong năm 2005.

Nếu việc đăng ký giao dịch được hoàn tất theo đúng kế hoạch, Vinare và Bảo Minh sẽ là những doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 10 tới.

 

Vốn điều lệ của Vinare là 500 tỷ đồng nhưng vốn điều lệ thực góp tại thời điểm thành lập 22/10/2204 là 343 tỷ đồng. Vốn Nhà nước mà đại diện là Bộ Tài chính vẫn chiếm tỷ lệ chi phối 56,6%. Các cổ đông khác tham gia góp vốn là các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

 

Trong khi đó, vốn điều lệ của Bảo Minh được xác định là 1.100 tỷ đồng và vốn điều lệ tại thời điểm thành lập công ty cổ phần là 434 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 63%, cổ đông chiến lược 25,2%, cán bộ công nhân viên: 1,74% và cổ đông bên ngoài hơn 10%.

 

Cộng chung lại, số vốn của hai doanh nghiệp này lên tới 1.600 tỷ đồng. Nếu tham gia đăng ký giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu của hai doanh nghiệp này sẽ là nguồn bổ sung hàng hóa quan trọng, góp phần làm tăng quy mô thị trường cũng như đa dạng hóa các loại cổ phiếu giao dịch trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội.

 

Theo ông Trần Vĩnh Đức, Tổng giám đốc Bảo Minh, doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hoá theo chủ trương bán cổ phiếu để tăng vốn. Năm 2004 sẽ hoàn thành cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần với vốn ban đầu là 450 tỷ đồng.

 

Đến năm 2007, lãnh đạo Bảo Minh dự kiến sẽ tăng vốn đợt 2 lên 750 tỷ đồng, 2010 sẽ tăng vốn đợt 3 lên 1.100 tỷ đồng theo đúng chiến lược phát triển mà Thủ tướng đã phê duyệt. Tuy nhiên, vốn điều lệ của Bảo Minh sẽ ghi ngay từ khi thành lập là 1.100 tỷ đồng.

 

Với mạng lưới gồm 40 chi nhánh khắp cả nước, 10 ngàn nhân viên và bề dầy kinh nghiệm 10 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo Minh đang là doanh nghiệp đứng thứ 2 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với thị phần 26-27%.

 

Đối với Vinare, tốc độ tăng trưởng đạt từ 15-20%. Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm đạt 713 tỷ đồng, phí nhận tái bảo hiểm tự nguyện đạt gần 360 tỷ đồng, chiếm 50,5% doanh thu phí nhận của công ty, phí giữ lại năm 2004 đạt gần 112 tỷ đồng.

 

Về hoạt động đầu tư tài chính, lãi đầu tư năm 2004 của Vinare đạt 23,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 34,6 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2003, do lãi kinh doanh nghiệp vụ trong năm đạt 11,1 tỷ đồng.

 

Khi quyết định bước lên sàn tức là doanh nghiệp đã chọn cho mình một hướng đi mới trong việc huy động vốn, tạo tính thanh khoản của cổ phiếu và nâng cao được hình ảnh và thương hiệu của mình. Nhưng dường như hai trong ba mục tiêu ấy đối với Vinare đều không phù hợp trong lúc này.

 

Với việc quy định về việc chuyển nhượng cổ phần tại Điều lệ công ty, các cổ đông sáng lập và cổ đông là cán bộ công nhân viên sẽ không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 3 năm. Tham gia giao dịch tại thị trường chứng khoán mà không có người bán thì làm sao tạo được tính thanh khoản cho cổ phiếu.

 

Về kế hoạch tăng vốn, đại diện của Vinare cho biết vốn như hiện nay mà Vinare đang có là đủ rồi, chưa cần tăng thêm. Hơn nữa, tăng vốn bây giờ đồng nghĩa với việc tăng cổ đông và áp lực trả cổ tức sẽ rất lớn. Trong khi, năm 2005, do quy định mới nên tỷ lệ trích lại cho quỹ dự phòng của công ty khá lớn nên việc cổ tức dự kiến trả chỉ là 8,5%/năm. Dự kiến năm 2006, cổ tức tăng lên 12%/năm.

 

Tuy nhiên, đối với các chuyên gia chứng khoán, vướng mắc này của Vinare không hề đáng ngại. Để giúp các cổ đông có thể chuyển nhượng tự do, tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu, công ty có thể sửa điều lệ. Trong trường hợp mà sửa không được thì Nhà nước mà đại diện là Bộ Tài chính sẽ phải tính đến "nước" bán bớt cổ phần thông qua đấu giá tại trung tâm giao dịch chứng khoán. Tất nhiên, việc bán bớt cổ phần này vẫn đảm bảo rằng Vinare là doanh nghiệp cổ phần trong đó vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối.

 

Theo VnEconomy