Doanh nghiệp bàn giải pháp ngăn ngừa vấn nạn trục lợi bảo hiểm

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đại diện các hãng bảo hiểm cho rằng trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay là vấn nạn nghiêm trọng, tinh vi, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và cả những người tham gia bảo hiểm chân chính.

Doanh nghiệp bàn giải pháp ngăn ngừa vấn nạn trục lợi bảo hiểm - 1

Các hình thức trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, không dễ để phát hiện (Ảnh: Pexels).

Tình trạng trục lợi bảo hiểm hiện nay ở nước ta

Nhận định chung về tình trạng trục lợi bảo hiểm hiện nay, các đơn vị đều cho rằng đây không phải là một vấn nạn quá mới mẻ tại Việt Nam và cả các nước trên thế giới. Anh Trần Hoài Phong - Công ty Bảo hiểm Prudential - nhận định, trục lợi bảo hiểm ở nước ta hiện nay phổ biến chủ yếu với bảo hiểm vật chất như bảo hiểm ôtô, xe cơ giới… Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cũng không phải là không có. Trước đây đã từng xảy ra những vụ trục lợi nghiêm trọng như vụ mua 19 hợp đồng bảo hiểm của 13 công ty bảo hiểm khác nhau ở Hải Phòng, hay vụ dàn dựng tạo hiện trường tai nạn giao thông giả ở Đắk Nông…

Tình trạng trục lợi bảo hiểm diễn ra nghiêm trọng hơn một phần là bởi những mánh khóe được dùng ngày càng tinh vi hơn. Bảo hiểm ở Việt Nam vẫn tồn tại kẽ hở, lợi dụng điều đó, có rất nhiều đối tượng đã nghĩ cách trục lợi từ các hợp đồng của công ty bảo hiểm. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề tại bảo hiểm MB Ageas Life, anh Trần Mạnh Hoàng Việt đã "chỉ điểm" một số hình thức trục lợi phổ biến hiện nay.

Rất nhiều trường hợp khách hàng khi đã biết rõ sự kiện bảo hiểm rồi mới… mua bảo hiểm. Điển hình là việc khách hàng biết rõ mình bị bệnh nhưng cố ý che giấu và mua thật nhiều bảo hiểm để nhận được khoản chi trả sau này. Trước đây đã từng có vụ khách hàng mua 19 hiểm đồng bảo hiểm khi nghĩ mình bị ung thư tuyến giáp với số tiền trục lợi gần 20 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn là những hình thức ngụy tạo hiện trường giả để trục lợi bảo hiểm. Khi người mua bảo hiểm đã xác định mục đích ngay từ đầu nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm lớn, sẽ ngụy tạo xây dựng các tình huống, kịch bản nhằm đánh lừa công ty bảo hiểm, cơ quan điều tra để nhận hợp thức hóa.

Trục lợi bảo hiểm - bài toán chưa có lời giải triệt để

Theo thống kê, trong những năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm. Dù không thể liệt kê được trong số tiền đã trả có bao nhiêu được chi trả cho khách hàng trục lợi, nhưng theo một khảo sát ước tính, có 4-6% hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm có dấu hiệu trục lợi. Song vì doanh nghiệp không có bằng chứng rõ ràng để có thể từ chối bồi thường, nên vẫn phải tiến hành chi trả. Theo những người làm trong ngành, các công ty bảo hiểm sẽ phải cải thiện đồng thời 2 nhiệm vụ "phòng bệnh và chữa bệnh".

Đối với việc "phòng bệnh", anh Hoàng Việt kiến nghị các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo và nâng cao trình độ, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của các tư vấn viên, nhân viên để thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển minh bạch. Ngoài ra, cần xây dựng các biện pháp nghiệp vụ nhằm loại bỏ yếu tố bất thường trong trục lợi bảo hiểm, như giới hạn mức tham gia của các sản phẩm y tế tương xứng với nghề nghiệp, thu nhập của khách hàng hoặc xây dựng các quy trình thanh toán bảo hiểm với mức độ chặt chẽ của hồ sơ cao hơn…

Đối với những trường hợp trục lợi bị phát hiện, cần có những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, tăng tính răn đe. Đại diện của Prudential và MB Ageas Life cũng kiến nghị tăng hình phạt cho chính nhân viên hoặc tư vấn viên của công ty bảo hiểm chứ không chỉ có mỗi phía khách hàng chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đề xuất hình thức ghi âm lưu trữ nội dung tư vấn để tránh trục lợi, nhất là đối với BHNT. Việc ghi âm, lưu trữ các nội dung tư vấn là cơ sở để kiểm tra quá trình hỏi kê khai sức khỏe có đúng không.

Ngoài ra, MB Ageas Life cũng đề xuất Bộ Tài chính nên thành lập hệ thống CiC cho bảo hiểm tương tự như ngành ngân hàng. Các trường hợp đã trục lợi từ bảo hiểm sẽ được lưu lại thông tin và chịu quản lý bởi một cơ quan nhà nước. Từ đó giúp cho các công ty kiểm soát được thông tin từ khách hàng tốt hơn, hạn chế hiện tượng bất cân xứng thông tin giữa 2 bên và dẫn đến những hành vi sai phạm.