Đổ xô đi mua xe máy trả góp ảo lấy vốn làm ăn, tiêu xài
Hàng trăm hộ dân ngoại thành Hà Nội đổ xô đi mua xe máy trả góp ảo, qua đó rút tiền của ngân hàng tiêu xài hoặc làm ăn. Với kiểu mua bán xe ảo này, người dân thiệt đơn, thiệt kép, còn ngân hàng thêm nợ xấu...
Tay không bắt giặc
Gần đây, tại các huyện ngoại thành Hà Nội như: Quốc Oai, Chương Mỹ...., rất nhiều người dân mua xe máy ảo, rút tiền ngân hàng thật để lấy vốn làm ăn hoặc tiêu xài.
Điều kiện để được vay tiền tổ chức tài chính là chỉ cần có hộ khẩu (HK) và chứng minh nhân dân (CMND), cộng vốn đối ứng hơn 20% giá trị xe. Số còn lại tổ chức tài chính sẽ giải ngân.
Tuy nhiên, thực tế người dân không có vốn đối ứng, nên đành thông qua cò (người bỏ vốn đối ứng), đổi lại sau khi lấy xe ra, họ phải bán ngay cho cò với giá trị chỉ còn hơn 30%.
Anh N.B.C (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) từng trực tiếp nhờ cò đưa đến cửa hàng để làm thủ tục rút tiền thông qua việc mua xe trả góp. Anh C. cho biết, thủ tục mua xe máy trả góp cực kỳ đơn giản, chỉ cần đưa HK và CMND cho cò sẽ được giải ngân ngay.
Anh C. là người trực tiếp lên thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) để làm các thủ tục lấy tiền. “Khi đến trực tiếp cửa hàng, nếu tôi đăng ký mua chiếc xe Air Blade trị giá khoảng 40 triệu đồng, mọi thủ tục đều được cò lo liệu, tôi chỉ phải ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Xong thủ tục, cò nói tôi được nhận 15 triệu đồng, trong khi phải gánh nợ ngân hàng khoảng gần 30 triệu đồng (trả gốc và lãi trong vòng 9 tháng). Thấy thua thiệt quá nên tôi không mua nữa” - anh C. nói.
Qua C., chúng tôi tìm gặp anh T. - một môi giới có thể giới thiệu với cò để đăng ký mua xe trả góp ảo. Gọi vào số điện thoại 097846..., anh T. cho biết đang đi làm việc ở làng bên. Thấy chúng tôi tha thiết muốn mua xe trả góp với mục đích chỉ để rút tiền, anh T. hẹn về nhà riêng.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm tới nhà anh T. ở thôn Đồng Lư (Đồng Quang, Quốc Oai). Đợi khoảng 30 phút, anh T gọi điện cho biết đang bận, chưa thể về đưa chúng tôi đi Xuân Mai được. “Bây giờ để mua xe máy theo kiểu đăng ký - rút tiền khó lắm. Giờ muốn ăn kiểu đó chỉ có cửa hàng trên Xuân Mai”- anh T. nói.
Chỉ tính riêng tại thôn Đồng Lư, đã có khoảng vài trăm hộ dân đăng ký mua xe máy trả góp nhưng kỳ thực chỉ để lấy tiền làm ăn, tiêu xài.
Dân thiệt, ngân hàng thêm nợ xấu
Theo chỉ dẫn của anh T, trong vai người mua xe trả góp, chúng tôi lên đường để tiếp cận với cửa hàng kinh doanh xe máy tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) - nơi được cho là có thể mua được xe máy trả góp ảo.
Lượn xe nhiều vòng tại thị trấn này, chúng tôi thấy có khoảng vài cửa hàng bán xe máy, nhưng chỉ có cửa hàng Khai Phát bán xe trả góp. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua trả góp một chiếc Air Blade (hãng Honda), nhân viên tư vấn tên L.T.T nhanh nhảu cho biết, xe giá 40 triệu đồng.
“Giá ghi trên hợp đồng là 39,990 triệu đồng. Người mua phải trả trước 11,997 triệu đồng, số còn lại là 27,993 triệu đồng ngân hàng sẽ cho vay. Với số nợ 27,993 triệu đồng, hàng tháng anh trả cả gốc và lãi là 4,231 triệu đồng, trả trong 9 tháng” - nhân viên T. nói.
Ngoài ra, theo chị T, để mua được xe, khách hàng còn phải đóng thêm 1,108 triệu đồng tiền bảo hiểm cho khoản vay nhằm phòng rủi ro ngoài ý muốn.
Sau khi được tư vấn, chúng tôi nói muốn mua hai xe Air Blade, trong đó một xe mua trả góp ảo để lấy tiền nộp cho chiếc xe còn lại vì nhà không có tiền, nhân viên T nói: “Ở đây bọn em không làm, anh đăng ký mua, chỉ khi xe ra khỏi cửa hàng, lúc đó mới được giải ngân.
“Vì thủ tục mua xe trả góp đơn giản, ngân hàng lại thẩm định qua loa nên đa số người mua xe máy không phải để lấy phương tiện đi lại, mà phần lớn nhằm lấy xe ra, bán cho cò với giá bằng nửa giá trị xe” - Một cán bộ huyện Quốc Oai |
Tại cửa hàng Khai Phát, chúng tôi thấy có hai tổ chức tín dụng cho vay mua xe trả góp là Công ty TNHH một thành viên Tài chính PPF Việt Nam (trụ sở tại quận Bình Thạnh, TPHCM) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Theo nhân viên đại diện PPF, lãi suất hai tổ chức tín dụng cho vay mua xe trả góp tương đương nhau.
Quá trình tìm hiểu mua xe trả góp ảo, chúng tôi nhận thấy nhiều người dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội chỉ nghĩ đơn giản không phải vì tiền mình nên khi được giải ngân đã tiêu tiền vô tội vạ.
Đến kỳ ngân hàng gửi thông báo trả tiền gốc và lãi mới tá hỏa. Theo một cán bộ thôn Đồng Lư, với một chiếc xe Lead (hãng Honda) giá khoảng 35 triệu đồng, môi giới đã lấy mất 5 triệu; 30 triệu còn lại, cò đút túi tiếp 15 triệu (nói là để nộp tiền gốc và lãi hai tháng đầu tiên cho ngân hàng - PV) và người mua thực ra chỉ nhận được khoảng 15 triệu đồng.
Dù vậy, người mua phải trả gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng toàn bộ giá trị chiếc xe ghi trên hoá đơn với số tiền gấp đôi số nhận được, bản chất còn hơn cả vay lãi suất cắt cổ.
Theo vị cán bộ thôn Đồng Lư, khi mua xe trả góp ảo, người dân chỉ đưa HK và CMND cho cò và ký vào các giấy tờ của ngân hàng là được giao tiền, trong khi đó ngân hàng chỉ gọi điện thẩm định qua loa mà không về tận nhà để tìm hiểu thực tế người dân có nhu cầu mua xe hay không.
“Chiếc xe sau đó quay vòng thế nào thì không một người dân nào biết, đến khi ngân hàng đi đòi nợ mới ngã ngửa. Thậm chí, có người phải bán cả ruộng để trả nợ mua xe ảo cho ngân hàng” - vị cán bộ thôn Đồng Lư cho biết.
Theo Phong Cầm - Nguyễn Thảo
Tiền Phong