Đổ xô đến TPHCM mua nhà, đất
Thống kê của một số doanh nghiệp bất động sản cho thấy, trong khi thị trường bất động sản liên tục sụt giảm thì nhiều nhà đầu tư tại các tỉnh lại đua nhau “ôm tiền” lên Sài Gòn mua nhà, đất.
“Có người do không lên kịp đã gọi điện nhờ người thân đến bốc thăm vì sợ hết “hàng”. Trong khi căn hộ ở đây có giá 2 - 3 tỷ đồng, nhiều người ở ngay TPHCM còn không dám mơ đến, mà họ mua như chơi” - nhân viên này nói.
Tại hai dự án Thái An - Quang Trung, Thái An - Tham Lương (quận 12) của Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, trong số khoảng 520 căn hộ được đưa ra thị trường, có đến 2/3 khách hàng là dân ngoại tỉnh lên mua.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, khách hàng từ các tỉnh chủ yếu mua căn hộ để ở, chỉ một số ít là mua đi bán lại. Nhiều dự án khác của công ty, tuy mới trong giai đoạn làm móng cũng đã có nhiều khách hàng gọi điện “đặt cọc”.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc ACB (ACBR), cũng cho biết, trong năm 2008, khách hàng từ các tỉnh đến ACBR mua nhà chiếm 10 - 15% tổng số khách hàng của công ty, trong đó đa số là khách hàng đến từ phía Bắc.
“Đến công ty nhờ tìm mua nhà phần nhiều là những người có tiền ở các tỉnh, có con đang học ở TPHCM nên mua nhà cho con ở. Ngoài ra, một số ít khách hàng cũng chọn mua nhà, đất ở đây để đầu tư dài hạn. Hàng mà họ hướng đến thường là những căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ và có hồ sơ pháp lý rõ ràng” - ông Hải phân tích.
Anh Nguyễn Thanh Tỉa (Long Khánh, Đồng Nai), chuyên kinh doanh gạo, với số tiền nhàn rỗi khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau khi tham khảo giá đất và điều kiện sống, kinh doanh ở nhiều tỉnh, anh Tỉa quyết định lên TPHCM mua nhà ở quận Bình Tân.
“Gia đình tôi định mua đất ở Biên Hòa, Đồng Nai để đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tính toán, tôi lên Sài Gòn mua đất sẵn cho đứa con đang học ở đây và mở cửa hàng bán gạo. Đây là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, do đó việc giá nhà đất đi xuống là chuyện trước mắt, chắc chắn về lâu dài giá đất sẽ lên” - anh Tỉa tính toán.
Các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư ở TPHCM trong năm 2008 chịu cú "sốc" nặng từ việc thị trường bất động sản đóng băng nên “run” tay chưa dám bỏ vốn tiếp tục đầu tư.
Nhưng nhiều người có vốn nhàn rỗi tại các tỉnh khác lại không chịu tác động nhiều từ cuộc khủng hoảng này và vẫn mạnh dạn dốc tiền mua nhà, đất bất chấp thị trường đang trong giai đoạn “ngủ đông” và chưa biết khi nào hồi phục.
Theo Đình Sơn
Báo Đất Việt