Đổ xô bán búp thanh long

Dù thương lái Trung Quốc đã thu mua và xây dựng cơ sở chế biến búp thanh long tại Bình Thuận gần 4 năm nay nhưng người dân lẫn chính quyền địa phương đều không biết mục đích để làm gì!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thanh long Bình Thuận đang bước vào chính vụ. Trụ thanh long thường ra hoa rất nhiều, chỉ những dây mọc nhiều búp, người trồng mới tỉa bỏ bớt. Thế nhưng vài năm nay, nhất là thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tổ chức thu mua ồ ạt nên người trồng đổ xô bẻ búp thanh long mang đi bán.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thương lái Trung Quốc chỉ thu mua hoa thanh long chưa nở và phải dài khoảng 20 cm. Giá thu mua hiện nay là 2.700 đồng nhưng có khi lên tới 4.000 đồng/kg. “Thanh long ra nhiều hoa, lại hay bị nấm tắc kè nên tôi bẻ bớt búp đem bán. Gia đình có gần 400 trụ thanh long, tôi bẻ búp 2 ngày nay bán được khoảng 2,5 triệu đồng” - anh Trần Thanh Sơn - nông dân xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận - khoe.

 

Cơ sở Hoa Bá Vương chuyên thu mua búp thanh long ở Bình Thuận
Cơ sở Hoa Bá Vương chuyên thu mua búp thanh long ở Bình Thuận
 
Tại Bình Thuận, cơ sở Hoa Bá Vương ở thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí chuyên thu mua và chế biến búp thanh long đã gần 4 năm nay. Người trồng tự hái búp mang đến cơ sở này bán, nếu hàng nhiều thì Hoa Bá Vương sẽ cho xe tới tận ruộng để thu mua. Hoa Bá Vương còn lập nhiều điểm thu mua búp thanh long khắp Bình Thuận rồi đưa về cơ sở này chế biến. Búp thanh long được cơ sở này xẻ đôi và sấy khô, đóng gói rồi xuất sang Trung Quốc.

 

Ông Trương Võ Hoàng Phát, chủ cơ sở Hoa Bá Vương, cho biết: “Gia đình tôi chỉ đứng tên trên giấy phép kinh doanh, còn chủ cơ sở thật sự là 2 thương lái người Trung Quốc tên A Năng và A Vinh”.

 

Theo ông Phát, cơ sở này vốn khá nhỏ nhưng gần đây, 2 thương lái Trung Quốc đã đầu tư mở rộng nhà xưởng quy mô hơn. Hiện tại, mỗi ngày Hoa Bá Vương thu mua gần 100 tấn búp thanh long, thuê gần 50 lao động địa phương tham gia chế biến.

 

“Gia đình tôi chỉ đứng ra thu mua giúp, còn việc chế biến, sấy khô xuất sang Trung Quốc làm gì thì các thương lái không hề tiết lộ. Tuy nhiên, tôi nghe phong thanh thứ này có thể nấu canh ăn. Có lẽ vì vậy mà thương lái Trung Quốc chỉ thu mua búp thanh long vì có thể giữ được độ ngọt và tươi lâu,  còn hoa đã nở thì mau khô héo và thối rữa” - ông Phát phán đoán.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh An, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Trí, cho biết cơ sở Hoa Bá Vương do người dân địa phương đứng tên, được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cấp giấy phép kinh doanh hơn 3 năm nay.

 

“Tôi chỉ biết họ mua búp thanh long rồi chế biến, sấy khô xuất bán ra phía Bắc, chứ không rõ để làm gì. Mỗi lần xuất hàng, họ đều xin giấy xác nhận của chính quyền xã” - ông An nói. Theo Công an xã Hàm Trí, 2 thương lái Trung Quốc có đăng ký tạm trú. Mỗi lần về nước hay quay lại Bình Thuận, họ đều trình báo với chính quyền địa phương.

 

Dù không rõ mục đích thu mua ồ ạt búp thanh long của thương lái Trung Quốc nhưng đại diện một số cơ quan chức năng ở Bình Thuận cho rằng đây là “chuyện bình thường”.

 

Ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nhìn nhận: “Thanh long trổ thừa hoa thì người trồng tỉa bán, vừa có thêm thu nhập vừa tốt cho cây chứ không ảnh hưởng đến năng suất hay có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Theo thông tin tôi có được thì thương lái Trung Quốc mua búp thanh long về chế biến để làm trà, thuốc”.

 

Theo Bạch Long

Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”