1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lạ lùng:

DN tí hon đấu giá mỏ cát 2.800 tỷ đồng; "ông lớn" đường sắt lo... "hấp hối"

Mai Chi

(Dân trí) - Doanh nghiệp chỉ có 2 người trúng quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền với giá đấu tới 2.811 tỷ đồng. Tại diễn biến khác, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại kêu cứu, lo không trụ vững hết tháng này.

Vụ trúng đấu giá mỏ cát hơn 2.800 tỷ đồng: Những chi tiết ly kỳ như phim

Bà Đặng Nguyễn Hồng Châu - Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang (thuộc Sở Tư pháp An Giang) - cho biết, đơn vị được UBND tỉnh An Giang chọn để tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền khối lượng 3 triệu m3 cát, giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng; mỏ cát trên sông Hậu trữ lượng 1,5 triệu m3 cát, giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng. Giá khởi điểm 2 mỏ cát do UBND tỉnh An Giang ấn định.

DN tí hon đấu giá mỏ cát 2.800 tỷ đồng; ông lớn đường sắt lo... hấp hối - 1

Mỏ cát trên sông Tiền (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có trữ lượng khoảng 3 triệu m3 (Ảnh: Đ.V - N.Hành).

Mỏ cát trên sông Tiền có 19 doanh nghiệp tham gia, trải qua 45 vòng đấu. Mỏ cát trên sông Hậu có 16 doanh nghiệp tham gia với 10 vòng đấu.

Đối với mỏ cát sông Tiền, cuộc đấu giá rất kịch tính khi các doanh nghiệp rượt đuổi đấu giá rất quyết liệt.

Tuy nhiên, đến vòng 30 chỉ còn 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá là Công ty T.S Home và Công ty khai thác vật liệu Trầm Tích (cả 2 công ty này đều có trụ sở ở TP.HCM). Kết quả cuối cùng, Công ty T.S Home trúng quyền khai thác cát với giá 2.811 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Dân trí, trụ sở công ty T-S Home chỉ treo một tấm bảng nhỏ dài khoảng 2 gang tay ghi tên công ty. Tấm bảng khiêm tốn này nằm khuất dưới những chậu lan, cây cảnh xum xuê. Ngoài Công ty T-S Home, địa chỉ nói trên còn là trụ sở của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản

Nhận định về kết quả đấu thầu quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu, bà Đặng Nguyễn Hồng Châu chia sẻ: "Khi tổ chức cuộc đấu giá 2 mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu, đơn vị này đã đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá và đơn vị là chủ tài sản được đấu giá. Chính nhờ cách làm đó đã mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước khi 2 doanh nghiệp trúng quyền khai thác 2 mỏ cát nộp trên 3.000 tỷ đồng cho địa phương".

Theo bà Châu, khi tổ chức đấu giá, tài sản được đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm hàng chục, hàng trăm lần là chuyện bình thường. Vì mục đích của trung tâm đấu giá là làm sao việc tổ chức đấu giá, nhất là tài sản công được thực hiện đúng quy định pháp luật và mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước.

Công ty trúng thầu dự án khai thác mỏ cát hơn 2.800 tỷ đồng chỉ có 2 nhân sự?

Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home , đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang với mức trên 2.811 tỷ đồng, được thành lập ngày 23/1/2018 tại địa chỉ số 14, đường số 11, Khu dân cư Ven Sông, Phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM.

Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của T-S.Home là ông Hồ Quang Thái Dũng. Ngành nghề chính của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại theo đăng ký là chuẩn bị mặt bằng, chi tiết là làm sạch mặt bằng xây dựng; đào, lấp, san và ủi tại các mặt bằng xây dựng; khoan thăm dò, khoan lỗ kiểm tra, lấy mẫu thử để kiểm tra về địa chất, vật lý.

Ngoài ra, công ty còn đăng ký hàng loạt ngành nghề khác trong lĩnh vực xây dựng, buôn bán máy móc, thiết bị phụ tùng, hoàn thiện công trình xây dựng, dịch vụ đóng gói…

Tại thời điểm đăng ký ban đầu vào tháng 1/2018, vốn điều lệ của công ty T.S -Home là 9 tỷ đồng với 2 thành viên góp vốn. Cụ thể, ông Hồ Quang Thái Dũng góp 5 tỷ đồng và bà Huỳnh Thị Phượng góp 4 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2020, công ty này đăng ký thay đổi vốn điều lệ từ 9 tỷ đồng lên 27 tỷ đồng, với phần vốn góp của ông Hồ Quang Thái Dũng từ 5 tỷ đồng lên 23 tỷ đồng, trong khi phần vốn góp của bà Huỳnh Thị Phương không thay đổi.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp này đăng ký thông tin chỉ có 2 nhân sự. 

"Ông lớn" đường sắt kêu cứu Thủ tướng vì lo "không trụ vững" hết tháng 4

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ trước tình cảnh bi đát, không có tiền trả lương cho hơn 11.000 lao động, nguy cơ không trụ vững hết tháng 4 này.

Cụ thể, VNR cho biết, tính đến thời điểm này, do ảnh hưởng kéo dài, bất thường của đại dịch Covid-19 cũng như việc thi công gói đầu tư 7.000 tỷ thuộc nguồn vốn trung hạn, trong điều kiện đường đơn, vừa chạy tàu, vừa thi công, ngành đường sắt đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quốc gia năm 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống KCHTĐS quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR.

"Nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021" - văn bản nêu.

Trước tình hình trên, VNR kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho VNR như các năm trước.

Lo doanh nghiệp lao dốc, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ "giải cứu"

Theo Bộ GTVT, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề cho doanh nghiệp ngành. Trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, việc tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp là cần thiết. Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trong đó, đề nghị kéo dài hết ngày 31/12/2021 đối với Thông tư số 74/2020 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%; xe ô tô tải kinh doanh vận tải được giảm 10%.

Bộ này cho rằng, cần tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021 (không tính lãi chậm nộp); không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến 31/12/2021.

Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm