Ngẫm về mỏ cát… 2.811 tỷ đồng

Bích Diệp

(Dân trí) - Cuộc đấu giá quyền khai thác hai mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu đang gây chú ý lớn đối với dư luận sau khi công bố kết quả mức giá trúng đấu giá vượt quá xa so với giá khởi điểm.

Ngẫm về mỏ cát… 2.811 tỷ đồng - 1

Theo bà Đặng Nguyễn Hồng Châu - Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang, mỏ cát trên sông Tiền với trữ lượng khoảng 3 triệu m3 cát, giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, thu hút 19 doanh nghiệp tham gia và trải qua 45 vòng đấu.

Cuộc đấu giá tại mỏ này rất kịch tính khi các doanh nghiệp rượt đuổi đấu giá một cách quyết liệt. Kết quả cuối cùng, một doanh nghiệp trúng với giá 2.811 tỷ đồng, tức gấp 390 lần giá khởi điểm.

Trong khi đó, mỏ cát trên sông Hậu với trữ lượng hơn 1,5 triệu m3, giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng, có 16 doanh nghiệp tham gia, với 10 vòng đấu. Mức giá trúng quyền khai thác mỏ cát này là 273 tỷ đồng (gấp 62 giá khởi điểm).

Những con số này thoạt đầu khiến bất cứ ai cũng phải bất ngờ, sửng sốt. Cách đây gần 6 năm, khi Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy chi hơn 1.000 tỷ đồng - gấp 9 lần giá khởi điểm để mua trọn lô 52,4% cổ phần Khách sạn Kim Liên, những tưởng rằng khó ai "chịu chi" hơn bầu Thụy!

Vậy, có gì ở những mỏ cát này mà các doanh nghiệp tranh nhau "giành lấy" quyền khai thác rồi đưa ra mức giá "trên trời" như vậy?

Trừ khi, mức giá khởi điểm quá thấp dẫn đến chênh lệch lớn. Lúc đó, câu hỏi đặt ra lại là: Khâu thẩm định có vấn đề hay không? Với tình trạng thông đồng "dìm giá" xuất hiện không ít tại những vụ đấu giá, nên cũng dễ hiểu khi mà độc giả Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) đặt nghi vấn ở bài viết "Thấy gì từ vụ đấu giá mỏ cát từ 7,2 tỷ đồng lên đến 2.811 tỷ đồng?" trên Dân Trí ngày 12/4.

Tuy nhiên, điều lạ lùng là một doanh nghiệp ở An Giang chuyên kinh doanh cát san lấp cho biết, với trữ lượng 3 triệu m3 cát mà giá trúng thầu lên đến 2.811 tỷ đồng là điều không tưởng và doanh nghiệp không bao giờ làm được vì không có lời.

Người này phân tích rằng, 1m3 cát san lấp hiện nay có giá từ 50.000 - 60.000 đồng, trừ thuế và chi phí thì 1m3 cát còn lời khoảng 40.000 đồng. Như vậy, nếu doanh nghiệp khai thác đúng trữ lượng như kết quả đấu giá thì chỉ thu về được số tiền khoảng 120 tỷ đồng.

Ngay như ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở TNMT An Giang cũng lường tới khả năng doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ bỏ quyền khai thác cát. Trong trường hợp "bỏ chạy", doanh nghiệp sẽ phải mất tiền cọc 1,4 tỷ đồng song chế tài xử lý thì quy định pháp luật lại chưa có.

Các độc giả thiên về khả năng nào? Rằng chúng ta nên mừng vì Nhà nước có thể thu được hàng nghìn tỷ đồng từ việc đấu giá quyền khai thác cát, hay là lo ngại doanh nghiệp "bỏ chạy" sẽ lãng phí thời gian khiến phiên đấu giá trở thành công cốc?

Bản thân người viết lại thấy rằng, cát là tài nguyên có hạn, dù là với trường hợp nào thì việc khai thác cát cũng không thể tràn lan và cạn kiệt. Có thể, nếu cấp quyền khai thác cho một doanh nghiệp nào đó thông qua đấu giá sẽ vừa mang lại nguồn tiền cho Nhà nước, lại vừa hạn chế được nạn "cát tặc" (hay là chuyển từ khai thác trộm sang khai thác hợp pháp??). Song ngẫm lại, với tình trạng sạt lở hai bờ sông gây hệ lụy lớn tại nhiều địa phương như hiện nay thì việc "bán" mỏ cát có thật sự là "ích nước, lợi dân"?

Theo đó, việc khai thác cát cũng cần phải tính toán kỹ, có sự tham vấn của giới chuyên gia, các nhà khoa học và nhiều bên liên quan.

Còn nếu để dễ quản lý và chống "cát tặc" thì cũng khó triệt để khi "bán mỏ". Căn cơ để chống "đạo tặc", ngoài việc triệt phá các thế lực bảo kê, điều quan trọng nhất là phải tạo công ăn việc làm, tạo kế sinh nhai cho người dân bản địa. Khi người dân có thu nhập chính đáng, họ sẽ không còn động lực để "trộm cắp" tài nguyên.

Nên chăng cần tư duy khác đi: Để "dân giàu, nước mạnh", để tăng ngân sách cho Nhà nước, không đơn thuần là đào tài nguyên lên bán, là khai thác cho bằng hết, mà phải từ những kế lâu dài gắn với sản xuất kinh doanh và sáng tạo.