Kiềm chế lạm phát:

Đình hoãn gần 3.000 dự án, trên 45.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Bộ KH&ĐT cho biết: Các địa phương, Bộ ngành, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước… đã đình hoãn gần 3.000 dự án với trên 45.000 tỷ đồng. Đây là một con số đáng kể góp phần trong mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Chiều 23/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã họp báo công bố tình hình thực hiện việc sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008 theo Quyết định 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu báo cáo của 36 Bộ, cơ quan trung ương, 64 địa phương, 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty 90 - 91 của 11 đoàn kiểm tra Bộ KH&ĐT cho thấy có tổng cộng 2.971 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới 35.358 tỷ đồng trên toàn quốc và 10.261 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ đình hoãn khởi công mới, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008.

Ông Lê Văn Học, Vụ trưởng Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT) cho biết: Các dự án hoãn khởi công là do còn nhiều vướng mắc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa giải phóng được mặt bằng và do giá của các yếu tố đầu vào tăng mạnh làm tăng tổng mức đầu tư.

“Nguồn vốn cắt giảm này sẽ được bổ sung cho các dự án khác đã bố trí trong kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2008 nhưng thiếu vốn do trượt giá và các dự án cấp bách của địa phương, các dự án đang chuyển tiếp có tính khả thi cao hơn”, ông Học nói.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, các địa phương đã điều chỉnh 1.884 dự án, tương ứng 5.662 tỷ đồng (chiếm 9,1 tổng vốn giao kế hoạch đầu năm). Số vốn này, theo giải thích của ông Học, không phải cắt giảm vốn ngân sách mà nhằm bố trí lại cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2008 và cả năm 2009.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 390 của Chính phủ, vốn trái phiếu đã giảm 25% (giảm tốc độ giải ngân 10.000 tỷ đồng).

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các dự án phải đình hoãn và cắt giảm với số lượng lớn như trên của các tập đoàn, tổng công ty có phải là hậu quả của sự phê duyệt dự án “tùy tiện”, ông Lê Văn Học cho rằng:

“Cơ chế thẩm định phê duyệt dự án chúng ta cũng đã được quy định trong luật, có rất nhiều dự án khi chúng ta duyệt tại thời điểm phê chuẩn dự án đầu tư, lúc đó chưa vấp phải tình hình khó khăn.

Với việc cắt giảm tổng hợp các các dự án lên tới gần 30.000 tỷ đồng, cho thấy các tập đoàn, tổng công ty quán triệt Quyết định 390 và công điện của Thủ tướng trong việc rà soát nhưng cũng thấy chính sách về tín dụng của chúng ta trong thời gian qua đặt các doanh nghiệp phải dừng hoặc giãn tiến độ trước những dự án”.

Theo đánh giá của ông Học, tỷ trọng vốn vay trên tổng vốn đầu tư của 15 tập đoàn, tổng công ty hiện chỉ chiếm 52% tổng vốn đầu tư và bằng 13,95% tổng giá trị tài sản. Đây là biên độ cho phép vì đối với những dự án có tính khả thi cao, tỷ lệ vốn vay có thể ở mức 70 - 100% vẫn được coi là an toàn.

“Nhưng khi kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất tín dụng, làm tính khả thi của các dự án đầu tư có sự biến đổi, điều chỉnh. Phần vốn tự có của các tập đoàn, tổng công ty cũng phải được điều chuyển cho các dự án và vì thế mà chúng tôi kiến nghị tiếp tục kiến nghị kiểm soát chặt nguồn vốn vay”, ông Học nói.

Nguyễn Hiền