Điều kiện sản xuất tại Việt Nam tăng cao kỷ lục!

(Dân trí) - Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng với tốc độ kỷ lục, hỗ trợ tăng trưởng mạnh sản xuất và hoạt động mua hàng. Trong khi đó, việc làm đã tăng trong tháng sau khi giảm nhẹ vào tháng 3.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Ukraine: 30 người chết cháy, bạo lực lan rộng

Theo công bố của HSBC, trong tháng 4 lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) đạt mức kỷ lục mới của lịch sử chỉ số, vượt qua mức cao nhất trước đó kể từ tháng 4/2011.

 

Cụ thể, chỉ số PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đã tăng từ mức 51,3 điểm trong tháng 3 lên 53,1 điểm trong tháng 4. Các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện trong suốt 8 tháng qua, với mức độ cải thiện của tháng 4 là mạnh nhất trong lịch sử chỉ số bắt đầu vào tháng 4/2011.

 

 

Điều kiện sản xuất tại Việt Nam tăng cao kỷ lục!

 

HSBC cho biết, trong tháng 4, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam đã mạnh lên tháng thứ hai liên tiếp và là mức nhanh nhất trong lịch sử chỉ số. Nhu cầu khách hàng tăng lên và giá cả đầu ra hầu như ổn định được cho là đã góp phần làm số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng.

 

Số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn và năng xuất được cải thiện đã làm tăng sản lượng của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tháng thứ bảy liên tiếp. Tốc độ tăng trưởng mạnh lên và chỉ thấp hơn mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 4/2011.

 

Việc tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã làm các công ty sản xuất phải tăng hoạt động mua hàng của họ trong tháng 4. Hơn nữa, hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng với tốc độ kỷ lục của lịch sử khảo sát. Điều này đã góp phần vào mức tăng lần đầu của lượng tồn kho hàng mua kể từ tháng 10/2013 khi một số thành viên nhóm khảo sát cho biết đã tăng hàng tồn kho để đáp ứng kỳ vọng lượng đơn đặt hàng mới sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.

 

Các nhà sản xuất cũng tuyển thêm nhân sự trong tháng sau khi giảm nhẹ lượng việc làm trong tháng 3. Việc làm đã được tạo thêm 8 trong số 9 tháng qua.



Số lượng việc làm tăng thêm khi sản xuất hồi phục mạnh trở lại.
Số lượng việc làm tăng thêm khi sản xuất hồi phục mạnh trở lại.

Việc tăng số lượng đơn đặt hàng mới góp phần làm tăng lượng công việc tồn đọng, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài 5 tháng. Hàng tồn kho thành phẩm trong tháng 4 cũng tăng, mặc dù chỉ là nhẹ. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết sự chậm chễ trong việc giao hàng cho khách hàng đã góp phần làm tăng hàng tồn kho.

 

Tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 4 đã gia tăng lần đầu tiên trong bốn tháng và là nhanh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Những người trả lời khảo sát chủ yếu cho rằng việc tăng giá cả đầu vào là do chi phí vận chuyển tăng xuất phát từ các quy định mới của Chính phủ. Được biết điều này cũng ảnh hưởng đến thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng, khi những người bán hàng giảm lượng hàng hóa vận chuyển. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài thành mức cao nhất kể từ tháng 4/2011. Trong khi đó, các công ty sản xuất của Việt Nam đã hạ giá đầu ra tháng thứ hai liên tiếp.

 

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam, Chuyên viên kinh tế Trinh Nguyen của Ngân hàng HSBC nói, “Lĩnh vực sản xuất đang là động lực chính ở Việt Nam và mức độ cải thiện của nó sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu còn yếu ở trong nước. Sự bật tăng mạnh mẽ của sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm là rất cần thiết để cân bằng lại với tình trạng đình trệ trong nước".

 

"Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu ở Việt Nam, khác với những nơi khác khu vực, sẽ có một năm khởi sắc mới do đầu tư vào sản xuất ở trong nước đã tăng lên và các thỏa thuận thương mại đã tăng khả năng tiếp cận thị trường. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng nhẹ lên 5,6% năm nay so với 5,4% trong năm 2013. Hầu hết thành quả này sẽ bắt nguồn từ lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vì lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp còn phát triển chậm chạp", chuyên gia này kỳ vọng.

 

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước