Điều kiện kinh doanh của Việt Nam tăng mạnh nhất 4 năm

(Dân trí) - Theo đánh giá của HSBC, các điều kiện hoạt động kinh doanh của Việt Nam có mức độ cải thiện mạnh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện hơn trong suốt 20 tháng qua.

Hôm nay 1/5, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) vừa công bố dữ liệu về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 4/2015 với tiêu đề: “Sản lượng tăng mạnh nhất trong bốn năm”.

Dữ liệu PMI tháng 4 cho thấy, các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ khi nhu cầu khách hàng tăng lên dẫn đến sản lượng và số lượng đơn hàng mới tăng mạnh hơn. Nhu cầu sản xuất lớn hơn dẫn đến tăng cả việc làm và hoạt động mua hàng. Trong khi đó, cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tiếp tục giảm, mặc dù tốc độ giảm đã chậm lại.

Điều kiện kinh doanh của Việt Nam tăng mạnh nhất 4 năm qua

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI™) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đã tăng từ mức 50,7 điểm trong tháng 3 lên 53,5 điểm trong tháng 4, qua đó cho thấy các điều kiện hoạt động kinh doanh đã được cải thiện mạnh mẽ.

Hơn nữa, mức độ cải thiện là mạnh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện hơn trong suốt 20 tháng qua.

Cũng theo HSBC, các điều kiện kinh doanh nói chung được cải thiện là do số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh khi một số công ty cho biết đã có được các khách hàng mới. Tốc độ tăng là nhanh nhất trong lịch sử khảo sát. Tương tự như vậy, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng mạnh.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và đây là lần tăng tháng thứ 19 liên tiếp trong lĩnh vực sản xuất, với tốc độ tăng nhanh hơn và là nhanh nhất kể từ tháng 4/2011. Sản lượng tăng đã giúp lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm khi các công ty cho biết đã nỗ lực hoàn thành các đơn đặt hàng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, mức giảm là yếu nhất trong chuỗi thời gian giảm lượng công việc chưa thực hiện kéo dài 4 tháng hiện nay.

Các nhà sản xuất đã tuyển thêm nhân viên để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tháng 4. Sau khi giảm trong tháng trước, việc làm trong tháng 4 đã tăng nhẹ.

Giống như các tháng kể từ tháng 11 năm ngoái, chi phí đầu vào đã giảm. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết chi phí nguyên vật liệu đã giảm, bao gồm xăng dầu và sắt thép, trong khi một số người trả lời khảo sát đã yêu cầu các nhà cung cấp giảm giá. Mức giảm giá đầu vào trong tháng 4 là chậm nhất trong 5 tháng. Giá đầu vào giảm là nhân tố chính làm giá cả đầu ra của các công ty sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại tháng thứ ba liên tiếp.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã kéo dài tháng thứ hai liên tiếp khi có các báo cáo về việc thiếu hụt nguyên vật liệu tại các công ty bán hàng. Tuy nhiên, mức độ kéo dài thời gian giao hàng chỉ là nhỏ khi thời gian thanh toán nhanh đã làm một số nhà cung cấp giao hàng nhanh hơn.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã làm hoạt động mua hàng gia tăng mạnh trong tháng 4. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng trong suốt 20 tháng qua, với mức tăng trong tháng 4 là mạnh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Hoạt động mua hàng tăng đã dẫn đến tồn kho hàng hóa trước sản xuất tăng lần đầu tiên trong thời gian 4 tháng.

Hàng tồn kho thành phẩm cũng đã tăng sau khi giảm trong tháng trước. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết hàng hóa thành phẩm đã đợi để được chuyển giao cho khách hàng.

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, chuyên viên kinh tế cao cấp của Markit cho hay: "Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã bước lên một nấc thang mới trong tháng 4, với các số liệu mới nhất là ấn tượng nhất trong lịch sử khảo sát 4 năm. Nhân tố chính của sự cải thiện này là thành công của các công ty trong việc có được các khách hàng mới, với sự hỗ trợ của việc thiếu vắng áp lực lạm phát".

Nguyễn Hiền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”