1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Điều hành lãi suất chịu áp lực tỷ giá

(Dân trí) - VDSC cho rằng, tác động của phá giá tiền đồng lên lạm phát là không đáng kể nhưng ảnh hưởng đến chính sách điều hành lãi suất.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với các động thái liên tiếp điều chỉnh nới biên độ tỷ giá USD/VND lên 2%; điều chỉnh biên độ lên 3% và nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% trong tháng 8, tính đến nay, tiền đồng đã mất giá tổng cộng 5,1% so với thời điểm đầu năm.

Diễn biến mất giá của đồng nội tệ đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát. Dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi lần tiền đồng mất giá lạm phát đều tăng trở lại với độ trễ từ 3-6 tháng, tuy nhiên, lạm phát trong những lần điều chỉnh trước được đặt trong bối cảnh giá thực phẩm và năng lượng tăng cao trở lại.

lam-phat-va-nhung-lan-mat-gia-cua-tien-dong-1441904926386
Lạm phát và những lần mất giá của tiền đồng

Trong một báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết, theo những nghiên cứu định lượng gần đây cho thấy thì cứ mỗi 1% mất giá trên danh nghĩa của của VND so với USD, thì trong quý thứ hai CPI sẽ tăng lên khoảng 0,22%. Với mức mất giá 3,1% của tiền đồng trong tháng 8 có thể làm CPI của quí IV tăng thêm khoảng 0,7%.

Như vậy, so với mức lạm phát theo dự báo của Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) cho cả năm 2015 là 2,5% thì CPI của quí IV tăng lên do quyết định phá giá chỉ làm lạm phát cả năm tăng lên khoảng 0,2%. Hệ quả là lạm phát theo CPI của cả năm 2015 có thể đạt mức 2,7%, vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát 4,1% trong năm 2014.

Trong lần điều chỉnh lần này, diễn biến có phần khác hơn khi giá hàng hóa đang trong xu hướng giảm và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2016 – theo VDSC.

Ngoài ra, ảnh hưởng của hàng hóa nhập khẩu lên giá cả nội địa cũng được kiềm hãm bởi tốc độ mất giá của nhiều đồng tiền khác là cao hơn tiền đồng. Từ những lập luận trên, VDSC cho rằng, tác động của phá giá tiền đồng lên lạm phát là không đáng kể, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với lãi suất.

Theo báo cáo mới nhất của NHNN, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm bằng VND đang ổn định ở mức 6,4-7,2%/năm, trong khi đó, lãi suất huy động bằng USD đối với tổ chức là 0,25%/năm và đối với dân cư là 0,75%/năm. Với mức mất giá của tiền đồng từ đầu năm đến nay, người gửi tiền bằng USD và VND thực chất có mức lợi suất gần như tương đương. Như vậy, chính sách tỷ giá một phần đã gây áp lực lên khả năng điều hành và định hướng chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay ở mức khá (đạt 9,54% so với đầu năm và là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm) cũng tạo nên áp lực đảm bảo thanh khoản để đáp ứng nhu cầu cho vay từ nay đến cuối năm. Trên thị trường trái phiếu sơ cấp, nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ giảm mạnh trong nửa cuối tháng 8/2015 dù lợi suất được chào cao hơn.

Đầu tháng 9/2015, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,1-0,3%/năm. Với xu hướng tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, theo nhận định của VDSC, mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích nhẹ, điều này đồng nghĩa với khả năng lãi suất cho vay không giảm thêm.

Nhìn chung, VDSC cho rằng, NHNN sẽ không điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên, cân đối cung-cầu vốn cộng với áp lực xử lý nợ xấu sẽ khiến các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các đối tượng khác.

Bích Diệp

 

Điều hành lãi suất chịu áp lực tỷ giá - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm