Điều gì đang xảy ra sau 14h trên thị trường chứng khoán?

Mai Chi

(Dân trí) - Bẫy tăng giá (bull-trap) đã diễn ra liên tục trong nhiều phiên vừa qua với việc bán tháo xảy ra sau thời điểm 14h đang khiến nhà đầu tư trở nên chán chường, mệt mỏi.

Thị trường phiên hôm nay (21/4) ngay khi mở cửa đã bị bán tháo rất mạnh, VN-Index về dưới ngưỡng 1.360 điểm trước khi bật hồi mạnh mẽ cuối phiên sáng. Đầu phiên chiều vẫn thuận lợi, có lúc VN-Index đã đạt được trạng thái tăng giá.

Nếu thị trường vẫn giữ được diễn biến này đến hết phiên có thể coi là một kịch bản hồi phục tích cực, níu giữ hy vọng cho phần lớn nhà đầu tư vốn dĩ đã rơi vào bi quan sau 9/10 phiên bão tố. Vậy nhưng, mốc 14h vẫn là "cơn ác mộng nối dài".

Điều gì đang xảy ra sau 14h trên thị trường chứng khoán? - 1

Các chỉ số trên thị trường đồng loạt giảm (Ảnh chụp màn hình).

VN-Index từ trạng thái tăng đầu phiên chiều đã đuối dần và ghi nhận mất thêm 14,51 điểm tương ứng 1,05%, đóng cửa tại 1.370,21 điểm. VN30-Index chỉ trong vài phút ở đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) đã đánh mất 8,63 điểm tương ứng 0,6% còn 1.426,87 điểm, dù rằng ngay trước đợt ATC, chỉ số này vẫn đang duy trì trạng thái tăng. Phe short đã thắng thế ở đợt đáo hạn hợp đồng phái sinh lần này.

HNX-Index đồng pha với VN-Index, giảm 13,42 điểm tương ứng 3,53% còn 366,61 điểm; UPCoM-Index giảm 1,51 điểm tương ứng 1,42% lên 104,89 điểm.

Những tưởng thị trường đã rơi vào "quá bán" rồi thì lực "đạp xuống" sẽ giảm. Tuy nhiên, phiên hôm nay vẫn có 189 mã giảm sàn, 752 mã giảm giá so với 258 mã tăng, 23 mã tăng trần. Đáng nói là có nhiều mã đã giảm sàn liên tục, có những mã giảm sàn trong cả 4 phiên bán tháo vừa qua kể từ đầu tuần.

"Tội đồ" lần này của VN-Index là VHM, GVR và VIC. Trong đó, thiệt hại do VHM lên tới 3,1 điểm; do GVR là 2,09 điểm; do VIC là 1,75 điểm. Cụ thể, VHM giảm 4,2%; GVR giảm 6,2%; VIC giảm 2,3%. Bên cạnh đó, thị trường chứng kiến còn có VJC giảm 3,9%; KDH giảm 3,8%; HDB giảm 3,3%; TPB giảm 2%; PLX giảm 1,9%; NVL giảm 1,6%.

VN30-Index có 11 mã tăng so với 17 mã giảm, tuy nhiên cũng không thể kéo được thị trường tránh được cú sụt đột ngột. Một số mã đạt được mức tăng tốt, đi ngược thị trường là BVH tăng 3,9% (mã này có lúc tăng trần); SSI tăng 2,4%; POW tăng 1,9%; MBB tăng 1,7%; BID tăng 1,4%.

Dòng cổ phiếu chứng khoán phân hóa. Trong khi nhiều cổ phiếu nhỏ trong ngành này vẫn giảm sàn, nhiều mã trắng bên mua như ART, APS, WSS, IVS, HBS, VIG, TVB, APG thì nhóm đầu ngành lại có diễn biến tích cực. VND và BSI có lúc tăng trần trước khi đóng cửa tăng lần lượt 6,8% và 3,5%; MBS tăng 4,7%; VCI tăng 3,4%; FTS tăng 3,4%; HCM tăng 3,3%; VDS tăng 2,9%.

Điều gì đang xảy ra sau 14h trên thị trường chứng khoán? - 2
Điều gì đang xảy ra sau 14h trên thị trường chứng khoán? - 3

Dòng cổ phiếu xây dựng, bất động sản nhiều mã vẫn tiếp tục bị bán tháo và trắng bên mua (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu dòng đầu cơ vẫn bị bán tháo. Trong "họ" FLC, ngoài ART, các mã còn lại như KLF, FLC, ROS, AMD, HAI vẫn giảm sàn và trắng bên mua, lệnh dư bán sàn lớn.

Dòng bất động sản ngoài những cổ phiếu đã có tín hiệu hồi phục như DRH, LEC, CRE, NTL, TEG, KHG, DXS thì vẫn nhiều mã giảm sàn như KBC, NLG, HTN, SZC, QCG, ITA, HQC, HDC… Những mã này bị bán mạnh bất chấp có nội tại doanh nghiệp tốt hay không. Tương tự với cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu, phần lớn các mã cổ phiếu trong ngành này đều giảm mạnh và giảm sàn như MCG, CII, TTB, TGG, TCD, NHA… trắng bên mua.

Tâm lý thị trường nhìn chung vẫn rất yếu. Trong nhịp hồi phục ở phiên sáng, dòng tiền có vẻ mạnh dạn bắt đáy, tuy nhiên, từ đầu phiên chiều, nhà đầu tư trở nên thận trọng do lo ngại mắc bẫy tăng giá (bull-trap) - và quả thực, kịch bản này đã lặp lại tương tự những phiên trước.

Theo một số môi giới chứng khoán, áp lực margin call dẫn đến force sell tại các công ty chứng khoán không còn lớn nhưng vẫn rất nhiều mã bị bán tháo không loại trừ khả năng đến từ hoạt động call chéo của các "kho hàng".

Do nỗi sợ "bull-trap", thanh khoản trên thị trường phiên hôm nay tuy tích cực hơn phiên trước, nhưng cả phiên vẫn chỉ đạt 23.787,29 tỷ đồng trên HoSE; 2.257,08 tỷ đồng trên HNX và 1.260,64 tỷ đồng trên HNX - chưa cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ. Dòng tiền vẫn đứng ngoài để quan sát thay vì giải ngân mua cổ phiếu.