1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Điêu đứng vì bị nợ lương, công nhân "săn" đại gia

Từ đầu năm tới nay, người lao động liên tục lên tiếng đòi nợ lương. Bất động sản là ngành bị ca thán nhiều nhất vì ‘quên’ trả thù lao cho công nhân.

Bất động sản dẫn đầu về nợ lương

Bất động sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Không bán được hàng mà phải trả lãi vay nhiều nên các công ty bất động sản thường xuyên nợ lương. Sau một thời gian dài ‘làm không công’, cán bộ công nhân viên của rất nhiều công ty lên tiếng đòi quyền lợi.

Sáng 27/3/2012, hơn 80 công nhân của Công ty Cavico thi công công trình máng dẫn nước của thủy điện A Lưới đã lãn công, “chiếm” công trường đang thi công để đòi nhà thầu phải thanh toán khoảng 2 tỉ đồng nợ lương và BHXH trong sáu tháng. Ngay sau có sự việc, cơ quan chức năng đã có mặt và đến tối 27-3, các công nhân mới chịu trả lại mặt bằng công trường sau khi nhà thầu cam kết đến ngày 31-3 sẽ trả hết tiền.

Rơi vào tình cảnh bị nợ lương từ năm 2011, hàng loạt công nhân của Công ty cổ phần Xây dựng 26 (trụ sở tại đường Nguyễn Cư Trinh, TP. Huế) bị đẩy vào cảnh khốn đốn khi đến nay vẫn chưa được trả tiền lương năm 2011.

Mới đây, sáng 29/6/2012, công nhân làm việc tại dự án Khu căn hộ cao cấp The Summit Đà Nẵng đã kéo đến địa chỉ 61 Quang Trung (là kho hàng của chi nhánh Công ty Techconvina tại Đà Nẵng) yêu cầu nhà thầu trả tiền nợ lương.

Theo trình bày của một số công nhân, từ tháng 4/2012 đến nay, Công ty Techconvina không chịu thanh toán lương cho công nhân, trong khi đời sống của họ hết sức khó khăn.

Điêu đứng vì bị nợ lương, công nhân 'săn' đại gia
Bất động sản đóng băng khiến công nhân điêu đứng vì bị nợ lương (Ảnh minh họa)

Ông Đinh Tiến Cường, Trưởng phòng Nhân sự - Hành chính (đại diện Công ty Techconvina) có mặt tại hiện trường cũng đành bất lực đứng nhìn cảnh công nhân khuân vác đồ đạc ra khỏi kho. Bởi theo ông Cường, việc nợ lương công nhân kéo dài là có, nhưng phía công ty không còn tiền để trả nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hải Vân (quận Phú Nhuận - TPHCM) cũng bị tố nợ lương kéo dài. Công ty còn nợ tiền lương của 20 lao động từ tháng 7/2011 đến nay gần 120 triệu đồng. Ngoài nợ lương, công ty còn nợ tiền BHXH từ tháng 2/2011 đến nay.

Bà Lê Thị Mỹ Dung, trưởng phòng hành chính nhân sự công ty, thừa nhận do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên có nợ lương của người lao động. Về khoản BHXH, số tiền công ty trừ của người lao động đã được nộp về cơ quan BHXH, công ty chỉ chưa đóng khoản tiền thuộc trách nhiệm của công ty. Trong tháng 6/2012, công ty sẽ đóng khoản tiền nợ BHXH và chốt sổ cho người lao động, đến tháng 9 sẽ trả hết lương cho người lao động.   

Nhân viên Công ty CP Cơ khí Công trình 2 (quận 11, TP HCM) cũng bị nợ lương. Có người cho biết 6 tháng nay, họ không nhận được tiền lương nên cuộc sống rất khó khăn, phải vay nợ khắp nơi. Đã vậy, 3 năm liền công ty không đóng BHXH, BHYT nên mỗi khi đi khám chữa bệnh, người lao động phải tự bỏ tiền ra thanh toán. Hiện có 3 lao động đã nghỉ việc 3 năm vẫn chưa được công ty thanh toán tiền trợ cấp thôi việc và trả sổ BHXH.

Tại Công ty Việt Nam Thái Bình (huyện Củ Chi, TP HCM), người lao động cũng không được công ty trả tiền lương. Anh Nguyễn Châu Sa, Đội trưởng Đội Siêu thị, cho biết đội của anh có 27 người và tất cả đều bị công ty nợ lương 2 tháng.

Thủy sản cũng điêu đứng

Trong năm nay, Bianfishco là cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Đầu tiên là ‘sự kiện’ Tổng giám đốc của công ty, bà Diệu Hiền tổ chức đám cưới xa xỉ cho con trai. Ngay liền sau đám cưới gây chấn động là những tố Bianfishco nợ nần.

Sau nhiều ầm ĩ, Tổ công tác của TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với đại diện của các ngân hàng mà Bianfishco có quan hệ tín dụng.

Theo đó, Bianfishco hiện là con nợ của 10 ngân hàng thương mại với tổng dư nợ lên đến 1.300 tỷ đồng, trong đó, khoản nợ của Bianfishco là trên 1.200 tỷ đồng, còn lại là nợ của Công ty TNHH Xây dựng & Thương Mại Diệu Hiền và cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền.

Ngoài ra, Bianfishco còn nợ của người bán cá 264 tỷ đồng, nợ thuế khoảng 11,5 tỷ đồng.

Không chỉ nợ nông dân, Bianfishco còn nợ lương nhân viên. Ngày 12/4/2012, Bianfishco bị tố vẫn chưa trả lương tháng 3 cho công nhân như lời hứa hẹn. Số tiền lương mà Bianfishco nợ 2.431 công nhân là trên 3 tỉ đồng.

Điêu đứng vì bị nợ lương, công nhân 'săn' đại gia
 Bianfishco: Đại gia nợ nần

Ngày 2/7, hàng chục công nhân của Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Hải (Cà Mau) tập trung trước cổng công ty đòi nợ lương.

Họ cho biết công ty đã nợ lương các công nhân ở tất cả các khâu từ hơn năm tháng qua với tổng số lương nợ khoảng 2 tỉ đồng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Hải, thừa nhận có sự việc trên. Ông Dũng thông tin: “Sau khi hay biết sự việc, chúng tôi kiểm tra lại thì phát hiện ban giám đốc công ty đã có những sai sót cố ý. Chúng tôi đã thống nhất kỷ luật cách chức một số lãnh đạo trong ban giám đốc và tranh thủ nguồn tiền để trả lương cho công nhân trong tháng 7 này”.

Mới đây, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Kinh doanh - Chế biến thủy sản - Xuất nhập khẩu Quốc Việt ở phường 6, TP Cà Mau đã đình công vì chỉ được trả lương bằng 50% của tháng trước. 

Ông Châu Thành Tôn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau, cho biết trong các tháng đầu năm 2012, đơn vị phải liên tục cử cán bộ đến các công ty thủy sản tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

Theo trình bày của những công ty này, nguyên nhân sản xuất sa sút là do cạn vốn lưu động, nguồn nguyên liệu thiếu hụt.

Ngày 12/4, hàng trăm công nhân Công ty TNHH chế biến Thủy sản Minh Phú (KCN Sông Hậu, ấp Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã đình công đòi Công ty giải quyết một quyền lợi.

Các công nhân cho biết, tháng 3 vừa qua, tiền lương của họ rất thấp so với những tháng trước đó (mỗi người chỉ được khoảng 2,5 triệu đồng) trong khi trong công nhân vẫn làm đủ thời gian theo quy định. Không chỉ vậy, các công nhân còn cho biết, theo hợp đồng, họ chỉ làm việc 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế, Công ty bắt các công nhân phải làm việc 10 giờ/ngày, thậm chí, ngày lễ, Chủ nhật cũng không được nghỉ và được lĩnh tiền thưởng.

Ngoài ra, những công nhân làm đủ ngày công/tháng cũng không được lãnh tiền chuyên cần, nhưng nếu công nhân nào đi trễ 5-10 phút sẽ bị trừ 10% tiền lương

Trước tình trạng hàng trăm công nhân đình công, lãnh đạo công ty Minh Phú đã tổ chức buổi làm việc với công nhân để giải đáp những bức xúc của họ. Tại buổi làm việc, ông Chu Văn An – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xác nhận những bức xúc của công nhân là hoàn toàn đúng và lãnh đạo Công ty rất thông cảm với công nhân.

Tuy nhiên, theo ông An các công nhân đều làm việc hưởng lương theo sản phẩm. Trong tháng 3, Công ty bị thiếu nguyên liệu sản xuất, do vậy, các công nhân dù làm việc đủ thời gian, nhưng sản phẩm lại ít hơn những tháng trước, nên tiền lương cũng theo đó mà giảm xuống.

Đối với việc bị bắt làm quá giờ, ông An khẳng định là việc này chỉ xảy ra mỗi khi Công ty ký nhiều hợp đồng với số lượng hàng lớn nên các công nhân cần phải tăng ca để làm việc cho kịp tiến độ.

Còn tiền chuyên cần, ông An xác nhận là công ty đã ngừng cho công nhân hưởng số tiền này cho đến khi công ty vượt qua được những khó khăn về kinh tế.

"Đại gia", "tiểu gia" rủ nhau cùng nợ

Một trong những vụ nợ lương được chú ý trong năm chính là việc ‘đại gia’ bóng đá CLB Hà Nội ‘treo niêu’ các cầu thủ. Tiền lương hằng tháng chưa được giải ngân và khoản thưởng nóng vẫn chưa thấy đâu đã khiến cầu thủ CLB Hà Nội ít nhiều suy nghĩ. Trong đó đáng kể là số tiền thưởng 500 triệu đồng cho lần vượt qua Hoàng Anh Gia Lai chưa được ông chủ chuyển đến từng người.

Bên cạnh đó, tiền lương tháng 5 của CLB Hà Nội đến ngày 31/5 chưa được ông chủ giải ngân. Theo tìm hiểu, tiền lương hằng tháng dành cho cầu thủ, ban huấn luyện được phát làm 2 đợt là vào ngày 15 và 30 hằng tháng. Nhưng tất cả đều 'bặt vô, âm tín'.

Gây ầm ĩ không kém là việc tàu Hoa Sen nợ lương hàng tỷ đồng. Tháng 4/2012, các thủy thủ, máy trưởng, thuyền trưởng tàu Hoa Sen liên tiếp gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng, kêu cứu việc bị công ty TNHH vận tải Viễn dương Vinashinlines nợ lương năm 2010, 2011.

Điêu đứng vì bị nợ lương, công nhân 'săn' đại gia
Tàu Hoa Sen nợ lương cả tỷ đồng  (Ảnh minh họa)
Đơn kiến nghị của các thủy thủ kèm theo xác nhận 'nợ lương' của lãnh đạo Vinashinlines cho thấy, tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Hàng chục thủy thủ bị nợ lương, người ít vài ba tháng, nhiều tới 9 tháng. Đặc biệt, thuyền trưởng Nguyễn Hải Sơn của tàu Vinashin Lines 2 bị nợ 8 tháng lương, tương đương 218 triệu đồng.

Theo phản ánh của các thủy thủ, đã có một khoản tín dụng được 'rót' cho Vinashinlines để trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, Vinashinlines thông báo, chỉ những nhân viên thuộc biên chế của công ty (có đóng bảo hiểm xã hội tại công ty thì mới được thanh toán).

Trong khi đó, hầu hết các thủy thủ nói trong diện kiến nghị đều là 'lính đánh thuê'. Họ là người ngoài được công ty thuê theo thời vụ ngắn hạn, thậm chí cả những nhân sự chất lượng cao như thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng…

Tại Hà Nội, công ty Tuấn Hường khiến cộng động mạng xôn xao khi nợ lương, nợ cả bảo hiểm. Nhiều lao động của Cty TNHH Thương mại Tuấn Hường  (Cty Tuấn Hường) kể, lương tháng 11, 12/2011 của lao động bị cty nợ lại, đến trước khi nghỉ Tết Nguyên đán (khoảng 19 – 20/1/2012) mới được thanh toán.

Sau đó, Cty tiếp tục nợ lương từ tháng 1/2012 đến nay mà không có thông báo hay giải thích gì với người lao động. Công ty còn xù luôn cả tiền bảo hiểm.

Vì vậy, nhiều lao động đã phải làm đơn nghỉ trong thời gian từ tháng 3/2012 trở lại đây. Theo ước tính của một cán bộ nhân sự từng phụ trách lĩnh vực này ở công ty, số lao động làm việc cho công ty Tuấn Hường chừng 100 người.

Ngày 18/5/2012, nhiều công nhân 'vây' công ty Thiết bị giáo dục 1 (ở Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) để đòi nợ lương. Những người có mặt tại đây cho biết, từ tháng 9/2011 đến nay, nhiều người bỗng nhiên bị 'đẩy ra đường', nhà xưởng đóng cửa, không có công ăn việc làm, trong khi ban lãnh đạo công ty không hề có thông báo gì, nên công nhân đến đòi nợ lương.

Và còn rất nhiều các công ty ở các lĩnh vực khác nhau như thép, da giày,… cũng lâm vào tình cảnh bị công nhân 'vây' vì nợ lương kéo dài.

Theo Hà Trang
VTC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm