Điều chỉnh tỷ giá: “Nhà chuyên môn nghĩ khác”

Điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và là biện pháp cần thiết để ổn định vĩ mô, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Vũ Viết Ngoạn, khẳng định.

Điều chỉnh tỷ giá: “Nhà chuyên môn nghĩ khác” - 1
Ông Vũ Viết Ngoạn
 
Tuy nhiên, ông Ngoạn cũng cho rằng cần có các biện pháp đi kèm để hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của sự điều chỉnh.

Tích cực nhiều hơn

Thưa ông, tỷ giá tăng mạnh cuối tuần qua có nằm trong dự liệu của Ủy ban Kinh tế hay không?

Chính sách tỷ giá là công cụ điều hành của Chính phủ để điều chỉnh nền kinh tế, nhưng mặt khác tỷ giá cũng là hệ quả của nhiều yếu tố cân đối của nền kinh tế. Trong đó quan trọng nhất là cân đối ngoại tệ của quốc gia và cán cân thanh toán.

Trong điều kiện nhập siêu diễn ra liên tục nhiều năm qua, thì điều chỉnh tỷ giá chính là để góp phần điều chỉnh nhập siêu, điều chỉnh cán cân thương mại và qua đó cải thiện cán cân thanh toán tích cực hơn.

Cũng cần nói rằng trong năm 2010 chỉ có hai lần điều chỉnh tỷ giá, trước đó vào cuối năm 2009 cũng có một lần điều chỉnh vào tháng 11. Như vậy cũng khá lâu tỷ giá mới được điều chỉnh.

Chỉ có một điểm khác là lần điều chỉnh này khá lớn (9,3%), trước đây chỉ dao động quanh 2% đến 3%. Đây là mức điều chỉnh rất mạnh từ nhiều năm nay.

Bởi vậy cũng có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên tăng ít một, ít một, theo phương pháp tỷ giá “trườn bò”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nhiều tháng nay thị trường đã kỳ vọng tỷ giá sẽ điều chỉnh. Thời gian qua trên thị trường tự do tỷ giá có những lúc chênh lệch đến 10% so với tỷ giá chính thức.

Chính vì vậy, lần điều chỉnh này là để đưa tỷ giá chính thức sát với giá được xác định bởi quan hệ cung cầu trên thị trường. Với phân tích như vậy tôi cho rằng mức điều chỉnh vừa rồi là hợp lý.

Tuy nhiên, phương pháp nào thì có hai mặt tích cực và tiêu cực. Quan trọng là làm thế nào để phát huy mặt tích cực và có biện pháp đi kèm để giảm thiểu tác động không tích cực của nó.

Ý của ông là mặt tích cực nhiều hơn?

Tích cực nhiều hơn. Bởi lẽ điều chỉnh tỷ giá sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên có một bộ phận người dân và doanh nghiệp thấy rằng điều chỉnh quá lớn, nên có phần hoang mang. Vì thế Nhà nước vẫn cần có biện pháp kinh tế và tuyên truyền để hạn chế những ứng xử có phần thái quá, gây bất lợi cho nền kinh tế.

Biện pháp đi kèm như thế nào thì thích hợp, thưa ông?

Quan trọng nhất là biện pháp kinh tế, trước tiên là quản lý thị trường, giá cả để tránh tăng giá một cách bất hợp lý nhân điều chỉnh tỷ giá, nhưng quan trọng vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền.

Theo sơ bộ đánh giá những ngày qua thì đa phần các nhà đầu tư, doanh nghiệp… là không ngạc nhiên lắm, bởi sự chênh lệch giữa tỷ giá thị trường và ngân hàng đã đến gần 10% rồi.

Cần làm rõ việc điều chỉnh tỷ giá nhằm mang lại lợi ích chung của quốc gia, ổn định vĩ mô tốt thì kinh doanh tốt hơn trong dài hạn.

Như ở trên ông có nói, đã tồn tại sự chênh lệch quá lâu giữa tỷ giá chính thức và thị trường, vậy phải chăng vì “nín” lâu quá, nên nay “thả” có phần quá mạnh?

Phải nhìn nhận trong năm 2010, sức ép lạm phát hết sức là lớn, nhất là vào những tháng cuối năm. Vẫn biết rằng mặt tích cực của tăng tỷ giá là khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, qua đó điều chỉnh cán cân thương mại, cải thiện cán cân thanh toán. Nhưng mặt trái là hàng hóa nhập khẩu thì sẽ bị ảnh hưởng, giá thành tăng cao, gây sức ép lên lạm phát.

Trong khi đó, mục tiêu năm 2010 là tập trung cao cho ổn định vĩ mô, ưu tiên kiềm chế lạm phát. Hơn nửa năm tỷ giá không điều chỉnh mà CPI đã lên đến 11,75% rồi, nếu mà điều chỉnh thì chắc chắn con số này còn cao hơn.

Việc quá lâu không điều chỉnh tỷ giá cũng có tác động không tốt, nhưng đó là sự không thể khác được.

Nhưng sang năm 2011, Ủy ban Kinh tế vẫn nhấn mạnh ưu tiên ổn vĩ mô và Quốc hội đã quyết mức lạm phát không quá 7%. Vậy thì áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn?

Kiềm chế lạm phát không có nghĩa là mãi mãi không tăng tỷ giá, mà chỉ có thể giãn trong một thời gian nhất định, vì còn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của nền kinh tế nữa.

Năm 2011 mục tiêu vẫn là ổn định vĩ mô, nhưng vẫn phải hài hòa giữa hai yêu cầu điều chỉnh tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Nhớ lại trước kỳ họp Quốc hội thứ tám (cuối năm 2010), khi xây dựng kế hoạch cho năm 2011 thì dự báo lạm phát năm qua chỉ khoảng 8% thôi, nên mới đặt chỉ tiêu cho năm nay là 7%. Và nếu thực sự năm 2010 kiểm soát được như thế thì năm 2011 có thể phấn đấu đạt được mục tiêu không quá khó khăn.

Nhưng thực tế, con số lạm phát lên đến 11,75% của năm qua đã làm cho khả năng kiềm chế lạm phát như chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua của năm nay trở nên mong manh.

Liệu khả năng kiềm chế lạm phát có càng thêm mong manh trước sự điều chỉnh tỷ giá như vừa qua không, thưa ông?

Hiện nay mới là tháng 2 nên vẫn có thể có hy vọng. Năm 2011, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có thể không tăng cao như năm 2010. Nếu như biết rút kinh nghiệm từ những năm trước về điều hành giá cả, giữ được thị trường tài chính, tiền tệ ổn định hơn, đặc biệt là các giải pháp vĩ mô giảm tổng cầu của nền kinh tế, thì hy vọng sẽ đạt được mức lạm phát 7% như mong muốn, mặc dù không đơn giản.

Ở trên ông đã nói, chính sách luôn có hai mặt. Tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thuận, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn?

Tất nhiên là khi chính sách đưa ra tất yếu là phải tính đến tác động tích cực và tiêu cực. Từ đó tính toán phương án cho phù hợp.

Theo tôi, việc lựa chọn thời điểm, tính toán bước đi và đưa ra quyết định cuối cùng như thế là hợp lý, chấp nhận được.

Điều chỉnh để mang lại lòng tin

Thưa ông, mục tiêu hàng đầu được ưu tiên trong năm nay là ổn định vĩ mô. Theo ông, nên nhìn nhận thế nào việc điều chỉnh mạnh tỷ giá khi đặt trong yêu cầu thực hiện mục tiêu đó?

Hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng một bộ phận người dân sẽ mất lòng tin vào giá trị của VND và vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Nhưng suy nghĩ như vậy là nặng về cảm tính chứ các nhà chuyên môn thì nghĩ khác, theo hướng tích cực hơn.

Họ sẽ nhìn vào thực tế là chính sách này sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế. Như đã nói, việc điều chỉnh tỷ giá được thực hiện khi cán cân thanh toán thâm hụt, cần hạn chế nhập siêu và thị trường thì kỳ vọng quá lớn. Và điều chỉnh tỷ giá chính là để góp phần cân đối vĩ mô.

Điều chỉnh tỷ giá chính là để mang lại lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, họ hiểu rằng đó là việc làm đúng hướng, rằng chúng ta đang hướng tới mục tiêu hàng đầu là tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

 Như vậy đây là giải pháp cần thiết để ổn định vĩ mô?

Chính xác là như vậy.

Cá nhân ông dự báo như thế nào  về phản ứng của thị trường chứng khoán trước điều chỉnh tỷ giá?

Tôi cho rằng hiện nay thị trường chứng khoán có hai nhóm nhà đầu tư. Nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp là các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, họ có chuyên môn phân tích và không ngạc nhiên vì động thái này nằm trong dự báo của họ.

Điều chỉnh tỷ giá có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô, đó là dấu hiệu tích cực nên họ sẽ có động thái ứng xử trên thị trường theo chiều hướng tích cực trong lĩnh vực đầu tư.

Tuy nhiên các nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi thấy bước điều chỉnh quá lớn cũng có thể có thể ít nhiều hoang mang làm cho thị trường xao động đôi chút. Song nếu có thái độ đó chỉ là trong ngắn hạn còn sau đó sẽ bị dẫn dắt bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cho nên tôi cho rằng về lâu dài chính sách này có tác động tích cực hơn tiêu cực và tăng lòng tin với nhà đầu tư, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất hiện đang quá cao, song tỷ giá tăng khiến cơ hội giảm lãi suất trong ngắn hạn sẽ giảm đi?

Lãi suất cần có bài giải theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn có nhiều quan điểm hết sức khác nhau giữa các nhà kinh tế về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất là không thể giảm lãi suất vì sức ép lạm phát, cần thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách áp dụng lãi suất cao.

Quan điểm thứ hai cho rằng lãi suất cao sẽ gây khó khăn cho cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tôi thì theo quan điểm nhìn nhận dung hòa. Về lý thuyết tôi nhất trí là lạm phát cao cần thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ hơn chút nữa. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay tôi vẫn ủng hộ quan điểm xem xét giảm dần lãi suất.

Việc chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất giảm bớt nghe chừng có vẻ mâu thuẫn, nhưng nếu đi sâu phân tích thì nó cũng có cái lý của nó. Hiện nay ngoài nguyên nhân do lạm phát cao phải đảm bảo lãi suất thực dương còn có yếu tố mang tính kỹ thuật làm cho lãi suất cao một cách không cần thiết.

Lịch sử mấy chục năm hoạt động của ngân hàng dường như chưa bao giờ có tình trạng người dân và doanh nghiệp áp đặt lãi suất tiền gửi với ngân hàng, mặc cả với ngân hàng, gây sức ép với ngân hàng như hiện nay. Bên cạnh tác động của chính sách thì bản thân các ngân hàng cũng cần cân nhắc về thái độ ứng xử và tôn trọng quy luật của thị trường.

Chúng ta biết số lượng ngân hàng hiện nay là rất lớn, cạnh tranh khá cao nhưng lại chưa hội tụ được theo hướng tích cực nên dẫn đến tình trạng như đã nói trên và đẩy lãi suất lên cao không cần thiết. Nếu có sự phối hợp từ chính sách và từ nhận thức cũng như biện pháp từ chính các ngân hàng thì vẫn có thể giảm lãi suất ở mức hợp lý hơn.

Tôi xin nói rõ thêm là cứ cho bây giờ mục tiêu kiềm chế 7% lạm phát là khó đi, song khả năng dưới 10% thì không phải là quá khó. Nhưng lãi suất tiền gửi đã đến 14% thì quá xa thực tế.

Tại sao lại như vậy? Từng ngân hàng đều nói thanh khoản tốt, vốn khả dụng đảm bảo mà vẫn cứ đua nhau tăng lãi suất tiền gửi để đến mức phải áp dụng trần lãi suất. Thực tế này khiến người không có chuyên môn cũng phải đặt câu hỏi tại sao.

Có gì đó bất hợp lý trên thị trường tiền tệ? Phải chăng hiện nay dòng chảy tiền tệ đang chậm lại, đọng lại, ngân hàng nào cũng giữ tiền nhiều, sự tin tưởng của từng ngân hàng vào thị trường giảm sút, vì thế mà lãi suất tăng lên chăng, phải đặt ra những câu hỏi đó để có biện pháp giải quyết.

Tôi không đi sâu vào chi tiết nhưng rõ ràng phải xác định là có “bệnh” nào đó về mặt kỹ thuật và phải xử lý bằng kỹ thuật, chứ không đơn thuần bằng chính sách vĩ mô.

Thưa ông, việc tăng tỷ giá chắc hẳn cũng sẽ tác động không nhỏ đến khả năng trả nợ nước ngoài của Việt  Nam và nhất là của các doanh nghiệp?

Đương nhiên điều chỉnh tỷ giá thì nợ ngoại tệ khi tính ra VND đều bị tăng lên, đó là điều cần phải tính tới khi lựa chọn điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó các doanh nghiệp vay ngoại tệ vẫn chịu rủi ro hối đoái vì Việt Nam chưa áp dụng các công cụ phân tán rủi ro.

Ở nước ngoài thì tỷ giá thậm chí có tăng, giảm đến 30%/năm cũng không có vấn đề gì cho doanh nghiệp, vì đã áp dụng công cụ chống rủi ro rui hối đoái và tính toán hết các chi phí đưa vào giá thành rồi. Như vậy thì có thể phân tán rủi ro cho toàn xã hội, như một hình thức bảo hiểm vậy.

Ở nước ta thì công cụ chống rủi ro hối đoái trên thị trường hối đoái chưa phát triển nên cũng có hạn chế phần nào với các doanh nghiệp đồng thời gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách.

Vì thế thời gian tới đây tới đây thị trường tài chính cũng đặt ra yêu cầu phải phát triển mạnh và sâu hơn nữa để có các công cụ chống rủi ro hối đoái.

Theo Nguyễn Thảo
VnEconomy