Điện mặt trời áp mái sẽ "cứu cánh" cho TPHCM?
(Dân trí) - Nếu các khu chế xuất – KCN tại TPHCM hoàn thành mục tiêu thi công, lắp đặt 1.000 Mwp điện mặt trời áp mái tại các nhà xưởng, kho bãi thì sẽ giảm được khoảng 10 – 15% lượng điện năng tiêu thụ.
Ngày 20/6, đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho biết, đơn vị này vừa phát động chương trình Phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các khu chế xuất – KCN tại TPHCM giai đoạn 2020 – 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội HBA, hiện nay, các thủy điện và nhiệt điện đang thiếu nước, thiếu than khiến nguồn điện năng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Chính vì vậy, điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo đang được nhà nước khuyến khích phát triển. Các khu công nghiệp của TPHCM cũng có rất nhiều lợi thế để phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo.
“Chúng ta có 17 khu chế xuất – KCN với diện tích lên tới hơn 4.140 ha, trong đó có 2.700 ha đất công nghiệp với 1.800 ha đã được xây dựng 1.500 nhà máy. Khu công nghệ cao có 900 ha xây dựng 80 nhà máy. Tính toán sơ bộ thì có khoảng từ 500 – 1.000 ha diện tích mái nhà để lắp điện mặt trời áp mái”, ông Bé nói.
Cũng theo ông Bé, ngành điện lực cũng đang hỗ trợ các khu chế xuất - KCN đấu nối, hòa lưới điện với chỉ tiêu trước mắt trong năm 2020 là 100Mwp và trong 5 năm tiếp theo là 1.000Mwp.
Ông Bé chia sẻ, hiện nay, khung pháp lý về điện mặt trời đã hình thành và vận hành thuận lợi. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 55 định hướng về điện năng trong việc thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trong đó, hết sức khuyến khích điện mặt trời và điện gió.
Ngoài ra, Quyết định 11, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 16 và Thông tư 05 của Bộ Công thương cùng các văn bản cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang tạo thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời.
Theo Hiệp hội HBA, từ năm 2020 – 2024, các khu chế xuất – KCN tại TPHCM hoàn thành mục tiêu phát triển được 1.000Mwp công suất điện mặt trời áp mái thì sẽ giảm được từ 10 – 15% lượng điện năng tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị và giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
Các thống kê gần đây cho thấy, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 10 tỷ kWh vào năm 2022. Trong khi đó, việc sản xuất điện truyền thống như nhiệt điện, khí điện, thủy điện, hạt nhân… mang lại nhiều rủi ro và ảnh hưởng cao đến môi trường.
Việc các nhà máy, kho xưởng… lắp điện mặt trời trên mái nhà sẽ tạo ra lợi nhuận từ mái nhà nhàn rỗi, giúp bảo vệ phần mái, giảm nhiệt độ và hạn chế phát thải CO2.
Đại Việt