Các dự án điện mặt trời đã đóng góp tích cực lên lưới điện quốc gia

(Dân trí) - Theo tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm 2019, nhu cầu tiêu thụ điện tăng rất mạnh. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn đảm bảo khả năng khả năng cung ứng. Đáng chú ý, một loạt các dự án điện mặt trời mới tham gia hệ thống đã có những đóng góp không nhỏ lên lưới điện quốc gia.

Theo EVN, 6 tháng đầu năm nay, nhu cầu điện tăng trưởng cao, đặc biệt có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, trong khi đó hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn điện, tình hình thủy văn nước về các hồ thủy điện kém và nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện giảm so với kế hoạch... Mặc dù vậy, EVN và các đơn vị đã có nhiều cố gắng nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân tại các địa phương.

"Trong thời gian diễn ra một loạt các sự kiện chính trị xã hội, các kỳ họp Quốc hội Khóa XIV, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các hoạt động lễ hội truyền thống đầu năm; đảm bảo điện tuyệt đối an toàn phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều các kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia...ngành điện đều đảm bảo cung ứng đầy đủ điện, an toàn", đại diện EVN cho biết.

Các dự án điện mặt trời đã đóng góp tích cực lên lưới điện quốc gia - 1

Cũng theo EVN, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 6 tháng đạt 117,38 tỷ kWh, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: sản lượng nhiệt điện than đạt 60,13 tỷ kWh, tăng 24,7%; thủy điện đạt 29,86 tỷ kWh, giảm 8,86%.

Đáng chú ý, các nhà máy nhiệt điện dầu đã huy động 732 triệu kWh để đảm bảo an ninh cung cấp điện. Trong 6 tháng vừa qua, sản lượng ngày lớn nhất đạt 782 triệu kWh và công suất lớn nhất đạt 38.219 MW (ngày 21/6), tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Theo EVN, đặc điểm nổi bật nhất về hệ thống điện trong 6 tháng đầu năm 2019 là việc EVN, Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia và các đơn vị đã hết sức nỗ lực, làm việc không kể ngày đêm để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời vào vận hành kịp tiến độ trước 30/6/2019. Đến hết tháng 6/2019, cả nước đã có 89 nhà máy điện gió và mặt trời với tổng công suất lắp đặt 5038 MW, chiếm 9,5% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

"Trong một số ngày đầu tháng 7 vừa qua, tính trung bình mỗi ngày toàn bộ các nhà máy điện mặt trời đã đóng góp khoảng hơn 20 triệu kWh, chiếm khoảng 2,7% sản lượng phát điện toàn quốc", đại diện EVN cho biết.

Theo EVNM, trong 6 tháng cuối năm 201, tập đoàn này dự báo tình hình cung ứng điện sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó: Nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện; Mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp, đặc biệt các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà đang ở gần mức nước chết.

Ngoài ra, việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn, bên cạnh đó các NMNĐ đã phải huy động cao trong 6 tháng đầu năm; Nguồn khí trong nước đã suy giảm, từ tháng 10/2019 sản lượng khí PM3 tiếp tục giảm mạnh; Các nguồn điện dầu dự kiến sẽ phải huy động cao trong 6 tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của EVN.

Tuy nhiên, EVN vẫn xác định hoàn thành các chỉ tiêu trong kế hoạch đặt ra, cam kết vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống, bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thời tiết - thuỷ văn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi. Sẵn sàng các phương án phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão. Tích cực tuyên truyền về việc thực hiện các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong nhân dân.

Hà Việt