Diện mạo mới của Khu Nam TP.HCM sau 25 năm phát triển
25 năm trước, cả khu vực phía Nam TP.HCM bao gồm quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh là vùng nông thôn nghèo nàn. Chỉ trong vòng 25 năm, vùng bưng biền này đã thay đổi chóng mặt, trở thành khu vực đô thị phát triển sôi động nhất thành phố.
Giá đất tăng cả ngàn lần
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã được mời gọi vào đầu tư phát triển khu Nam TP.HCM. Khu chế xuất Tân Thuận, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Long Hậu, Cảng SPCT… lần lượt ra đời, dân cư kéo về, những khu dân cư mới thành hình, những công trình giao thông lớn kết nối khu Nam TP.HCM với trung tâm lần lượt được xây dựng, vùng đất bưng biền “thay áo”, đất hoang “chuyển mình”.
Tại hội thảo “Phú Mỹ Hưng – 20 năm xây dựng và phát triển”, các nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá rất cao sự thay đổi của khu Nam TP.HCM. Theo các chuyên gia, sự phát triển KĐT mới Nam Thành phố đã làm thay đổi cả một vùng đất. Hàng trăm nghìn lao động ở khắp cả nước tập hợp về đây để tạo ra của cải cho xã hội, xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới và phục vụ nhu cầu trong nước, tạo ra công ăn việc làm nuôi sống hàng trăm ngàn gia đình ở nông thôn. Điều đó khẳng định sự đổi mới kỳ diệu của vùng đất này…
TS. Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đánh giá sự phát triển của khu Nam TP.HCM 25 năm qua tác động rất lớn đến lợi ích kinh tế của toàn thành phố. Theo ông, các dự án ở đây đã biến khu vực nghèo nàn, lạc hậu của TP.HCM thành một khu vực dịch vụ phát triển, phù hợp với chiến lược phát triển thành phố. Giá trị đất tại đây đã tăng cả ngàn lần, từ 30.000 đồng/m2 vào năm 1993 lên đến 30-40 triệu đồng/m2 vào năm 2013.
Điểm son của ngành quy hoạch đô thị
Đến nay, thành phố đã chính thức quy hoạch khu Nam TP.HCM thành 1 trong 4 thành phố vệ tinh của đô thị TP.HCM đa cực với diện tích gần 3.000 ha và dân số 500.000 người, là trung tâm cho sự phát triển TP.HCM về hướng Nam. Thành phố vệ tinh này gồm 20 khu chức năng thành phần với trung tâm là khu A của KĐT Phú Mỹ Hưng.
Sỡ dĩ KĐT Phú Mỹ Hưng được chọn làm trung tâm thành phố vệ tinh Nam TP.HCM vì KĐT này được quy hoạch bài bản ngay từ đầu để trở thành trung tâm của cả khu vực phía Nam, là tiêu điểm để khu Nam TP.HCM phát triển lan rộng ra xung quanh. KĐT này cũng được đánh giá là điểm son của ngành quy hoạch đô thị Việt Nam vì sự thành công vượt trội, phát triển nhanh và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả khu Nam.
Cũng trong hội thảo “Phú Mỹ Hưng – 20 năm xây dựng và phát triển”, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đánh giá: “KĐT Phú Mỹ Hưng là một KĐT đa chức năng kiểu mẫu, đã và đang góp phần nâng cao chuẩn mực phát triển đô thị tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”. TS. Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị & Phát triển hạ tầng cũng nhận định: “Đây là KĐT tiêu biểu cho tư duy phát triển đô thị hiện đại, có chất lượng sống tốt và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ”.
Chính vì vậy, Phú Mỹ Hưng trở thành hình mẫu để xây dựng các KĐT mới trên cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia quy hoạch đều đánh giá thành công của Phú Mỹ Hưng rất khó lặp lại. Ngay tại TP.HCM, dù sau đó nhiều KĐT mới được xây dựng như KĐT mới Thủ Thiêm, KĐT cảng Hiệp Phước… nhưng đến nay vẫn chưa nên dáng hình. Hay các khu vực dân cư mới ngay tại khu Nam phát triển xung quanh Phú Mỹ Hưng cũng rất manh mún, không thành 1 chỉnh thể như Phú Mỹ Hưng được.
Ông Trần Chí Dũng cho rằng: “Một bài học từ KĐT Phú Mỹ Hưng cho thấy: nội bộ KĐT này rất tốt, song đang có rất nhiều dự án dân cư mới kế cận “ăn theo” nhưng lại xây dựng khá manh mún, không đủ cơ sở hạ tầng… Kinh nghiệm rút ra là cơ chế quản lý cho KĐT mới, đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi có quá trình”. Do đó, đến nay Phú Mỹ Hưng vẫn là KĐT mới duy nhất được xây dựng bài bản, hoàn chỉnh tại TP.HCM, tạo thành sức hút cho cả khu Nam phát triển.