Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam: Nhiều sáng kiến hiệu quả cần được nhân rộng
Tại diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, một số doanh nghiệp đã tạo ấn tượng mạnh với nhiều sáng kiến hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.
Diễn đàn năm nay với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững”, được tổ chức bởi Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đối tác trong nước và quốc tế.
Nhận định về tình hình thực hiện các mục tiêu toàn cầu (SDGs), ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký VCCI kiêm Phó chủ tịch VBCSD cho biết, thế giới đã ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc triển khai các SDGs, khi mà từ 200 doanh nghiệp tham dự diễn đàn doanh nghiệp về phát triển bền vững do Liên hiệp quốc tổ chức năm 2015, đã tăng lên con số 1.500 doanh nghiệp chỉ sau 2 năm. Cũng theo ông Vinh, số lượng các doanh nghiệp lập báo cáo bền vững tăng gấp 2 lần trong 5 năm, 90% các doanh nghiệp trong danh sách 500 công ty lớn nhất đã lập báo cáo bền vững.
Đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Coca-Cola, Bảo Việt, Heineken, Vingroup đã tạo ấn tượng mạnh mẽ khi mang đến diễn đàn những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt của doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đơn cử như tại Coca-Cola, mục tiêu phát triển bền vững được xem là yếu tố sống còn, được lồng ghép vào mọi khía cạnh trong hoạt động kinh doanh của công ty.
"Chúng tôi đã, đang và sẽ tuân thủ, đóng góp cho tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đã thông qua. Và hiện tại, chúng tôi đang tập trung nhiều hơn vào 2 mục tiêu Tài nguyên nước và Phụ nữ”, bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại khu vực Đông Dương, Công ty Coca-Cola cho biết.
Bà Ly lý giải, đây chính là 2 trong số những mục tiêu phát triển bền vững có kết nối mạnh mẽ với hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, cũng như có thể tạo nên những ảnh hưởng to lớn cho cộng đồng.
Với mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước, Coca-Cola đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ hoàn trả lại lượng nước sạch cho cộng đồng và thiên nhiên đúng bằng lượng nước đã sử dụng trong việc sản xuất và đóng chai. Tuy nhiên, được biết rằng trong Tuần lễ Nước Thế giới diễn ra ở Stockholm vào năm ngoái, tập đoàn Coca-Cola thông báo, từ 2015 họ đã hoàn thành mục tiêu hoàn trả nước sạch về cho cộng đồng và thiên nhiên, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.
Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, Coca-Cola đã đầu tư 4 triệu USD để cung cấp nước sạch cho hơn 65.000 người tại 7 tỉnh thông qua một loạt các dự án như lắp đặt đường ống dẫn nước, hệ thống lọc nước sạch tại các trường học… Đáng kể nhất có thể kể đến dự án EKOCENTER, cung cấp 6.000 lít nước mỗi ngày để phục vụ khoảng 3.000 người dân khu vực xung quanh.
Đối với mục tiêu hướng tới phụ nữ, Coca-Cola cũng có nhiều sáng kiến hiệu quả, trong đó có thể kể đến dự án "5by20" với mục tiêu trao quyền kinh tế cho 5 triệu nữ doanh nhân trên toàn thế giới vào năm 2020. Theo Coca-Cola, từ năm 2010 đến cuối năm 2016, doanh nghiệp đã nâng cao năng lực kinh tế cho hơn 1,7 triệu phụ nữ nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, một trong những dự án thành công thuộc dự án toàn cầu 5by20 là “Sức sống Mekong” (Mekong Vitality), hợp tác với tổ chức phi chính phủ PACT và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Với khoản đầu tư 1,5 triệu USD từ tháng 8/2013 - tháng 7/2016, dự án đã trao quyền cho hơn 7.500 phụ nữ thông qua các khóa đào tạo về quản lý tài chính vi mô, kỹ năng kinh doanh cơ bản cũng như các chương trình tiết kiệm và cho vay.
Được biết, ngay sau diễn đàn này, dự án Zero Waste to Nature - Không xả thải vào môi trường tự nhiên, do Coca-Cola hợp tác cùng VCCI, Unilever và Dow Chemical Việt Nam sẽ chính thức khởi động, dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại Tp.HCM.