Điểm danh những cây sanh cổ khiến đại gia mê mẩn, xuống tiền không tiếc tay
(Dân trí) - Những cây sanh cổ có tuổi đời hàng trăm năm, sở hữu thế hiếm, tay cành độc lạ luôn là tiêu chí mà giới đại gia săn lùng, nhiều người còn sẵn sàng xuống tay 1 triệu USD để đổi lấy "báu vật".
Sanh cổ hình thuyền rồng
Sau 10 năm tạo tác cây sanh cổ, ông Đào Văn Hiến (Vĩnh Phúc) đã tạo nên một tác phẩm “cội nguồn” với hình dáng như một chiếc thuyền rồng mà vua Lý Thái Tổ khởi chiếu dời đô.
Theo đó, cây được ký trên đá hình đầu rồng, nhìn tựa như một chiếc thuyền. Tay, cành, bông tán như những cánh buồm. Còn những hòn đá tạo lên hình thuyền rồng được ông Hiến lựa chọn kỹ càng, đá được lấy từ dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan “Nóc nhà Đông Dương” cách đây 30 năm.
Chủ nhân của tác phẩm cho biết, cây sanh có nguồn gốc từ Nam Điền (Nam Định), qua 8 đời chủ ông mới sở hữu được. Thời điểm mua cây năm 1998, cây có dáng long. Cây cao gần 2m, chiều dài tính cả “đầu rồng” là 1,8m, chiều rộng hơn 1m. Tay cành được làm theo lối tản vân rất công phu.
Ông Hiến cho hay, năm 2010 đã có người trả 6 tỷ đồng nhưng ông không bán. Hiện tại, ông cũng không ra giá vì ông không có ý định bán.
Cây sanh cổ "tứ linh hội tụ” thế hiếm
Cây sanh cổ, thuộc dòng Nam Điền của nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ ở Hà Nội được tạo hình theo bộ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng) với vẻ ngoài độc đáo có một không hai.
Chủ nhân cây tâm sự, tác phẩm "tứ linh hội tụ" được ông mua từ năm 2018 ở Hà Nam với mức giá cũng không hề rẻ. Cây thuộc dòng sanh Nam Điền và tạo thế theo 4 linh vật nổi tiếng là Long, Lân, Quy, Phượng.
Trong đó, rõ nét nhất là ở gần phần bệ đỡ, một nhánh rễ được tạo thành hình con rùa nâng toàn bộ thân cây, xung quanh mặt rễ cũng được trang trí ứng với các con vật còn lại trong bộ tứ linh. Ở phần ngọn, nghệ nhân không tạo tán thông thường mà thiết kế thành 2 đôi cánh của phượng hoàng, biểu hiện cho sức mạnh oai phong.
Theo tiết lộ, tác phẩm "tứ linh hội tụ" của nghệ nhân Thọ hiện có giá lên tới hàng tỷ đồng, nhiều đại gia muốn sở hữu lại nhưng ông quyết giữ, không bán. Bởi ông cho rằng, đây là một trong những tác phẩm độc nhất vô nhị thuộc dòng sanh Nam Điền, mang tạo hình con vật ở miền Bắc.
Và nghệ nhân Thọ cũng thừa nhận, với ông, việc chơi cây cảnh mục đích chính là để dưỡng tâm, rèn luyện nên chuyện mua bán chỉ là phụ. Do đó, ông giữ lại "báu vật" là để bản thân mỗi ngày thưởng ngoạn, khách đến nhà ai nấy cũng đều có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây.
Cây sanh Thánh Gióng cưỡi ngựa
Cây sanh cổ có dáng hình Thánh Gióng cưỡi ngựa thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thoan (Hưng Yên. Đây là báu vật được ông mua từ 4 năm trước trong một chuyến du ngoạn. Ông tâm sự, ngay từ ánh nhìn đầu tiên, ông đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, đồ sộ của cây.
“Ngày đó, tôi phải thuyết phục rất lâu chủ cây cũ mới gật đầu, họ bán cây không phải vì tiền mà thấy tôi mê cây quá. Kể từ đó, tôi đặt ra quy tắc cho riêng mình là người nào tiếp theo thửa hưởng báu vật phải là người yêu cây thực sự” - ông Thoan tâm sự.
Theo tiết lộ, nhiều thượng khách đến nhà ngỏ ý mua cây nhưng ông quyết không bán. Ông cho rằng, khi bản thân còn đủ sức khỏe, còn chăm sóc được cho cây thì sẽ giữ đến phút cuối cùng. Cây ở với người lâu cũng như người thân trong nhà, không thể nói vì tiền hay bất cứ lý do gì mà xa cách.
“Nhiều vị khách đến nhà sẵn sàng trả hơn 1 tỷ đồng để đổi lấy cây sanh cổ nhưng tôi quyết không bán. Bởi tôi cho rằng, việc mua bán là hữu duyên, chứ không phải cứ có nhiều tiền là mua được” – ông nói.
Khách trả 1 triệu USD đổi lấy cây sanh cổ
Cây sanh cổ của ông Quang Hòa (Hưng Yên) mua từ một nghệ nhân người Nam Định cách đây 16 năm với giá 550 triệu đồng. Ông cho biết, chủ nhân cũ của “báu vật” là người rất yêu cây. Sở dĩ, ông được thừa hưởng vật quý là do người nghệ nhân cũ ốm nặng, không còn khả năng chăm sóc cây nên ông mới được trao lại quyền sở hữu.
Ông cho biết, nhiều thượng khách vì quá ưng siêu phẩm đã không ngần ngại xuống nhà ông Hòa nhiều lần năn nỉ mua cây. Có vị đại gia trả ông hơn 1 triệu USD nhưng ông quyết giữ cây không bán.
“1 triệu USD là giá khách tự trả chứ tôi không chào bán vì tôi chưa có nhu cầu. Thế giới cây muôn vàn muôn vẻ, có thể là cực phẩm với người này nhưng với người khác thì không nghĩ vậy” – ông nói.
Theo ông, cây sanh cổ có tuổi đời hàng trăm năm sở hữu bộ rễ cực phẩm và bộ tay cành độc đáo. Giới sành cây chỉ cần nhìn vào 2 đặc điểm này có thể nhẩm được giá trị của “báu vật”. Vết tích trên cây có được là minh chứng cho những năm tháng trải qua, người thợ không bao giờ có thể thay đổi, chỉnh lý được.