1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thanh Hóa:

Diêm dân “vật lộn”, dự án “nằm ỳ” trên giấy

(Dân trí) - Trong khi mục tiêu đặt ra cho ngành muối ở Thanh Hóa luôn được các cấp các ngành quan tâm hàng đầu thì những dự án đã phê duyệt để đầu tư nâng cấp cải tạo đồng muối giúp bà con diêm dân bớt khổ vẫn “nằm ỳ” trên giấy.

Diêm dân “vật lộn”, dự án “nằm ỳ” trên giấy - 1
Những cánh đồng muối ngày một xuống cấp nghiêm trọng.
 
Nghề muối bao đời nay vốn vất vả, nghề muối ở Hậu Lộc lại càng vất vả hơn khi cơn bão số 7 năm 2005 đi qua khiến cho nghề muối ở địa phương như “chìm” hẳn.
 
Năm 2000, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án nâng cấp cải tạo đồng muối xã Hải Lộc và Hoà Lộc bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh. Diêm dân mừng nhưng rồi lại lo, lo vì nghề muối vốn vất vả mà lại bấp bênh, sức lao động bỏ ra nhiều nhưng hiểu quả lại không cao, trong khi đó dự án đã phê duyệt vẫn chưa được triển khai.
 
Đến năm 2004, Bộ NN&PTNT ra QĐ số 2348 phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối xã Hải Lộc với tổng vốn gần 13 tỷ đồng và đã cấp 100 triệu đồng khảo sát dự án. Tưởng rồi diêm dân nơi đây sẽ bớt đi gánh nặng từ nghề muối nhưng đã gần 10 năm qua bà con diêm dân vẫn phải tự mình vật lộn trên những cánh đồng muối.
 
Các dự án được đưa ra chậm thực thi, cùng với việc giá muối trên thị trường liên tục biến động đã tác động không nhỏ đến đời sống, sản xuất của bà con diêm dân. Không ít lao động đã phải bỏ nghề tha hương làm thuê kiếm sống, trong khi tiềm năng về sản xuất muối ở địa phương là rất lớn.
 
Chị Bùi Thị Ấp, thôn Lục Tiên, xã Hải Lộc cho biết, năm 2008, giá muối lên cao nên người dân quay trở lại làm nghề, trước đây mỗi ngày một lao động làm cật lực cũng chỉ được 50 - 60 kg muối, nay nhờ áp dụng phương pháp làm muối mới nên năng suất tăng lên gấp đôi. Nhưng chắc cũng nay mai bà con lại bỏ nghề vì giá cả bấp bênh, đồng ruộng xuống cấp mà nhu cầu sự dụng muối sạch ngày càng cao. 
 
Trong khi đó, từ năm 2000, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông nghề muối đến năm 2010. Theo đó chỉ tiêu về nghề muối được đặt ra cả về sản lượng, diện tích, bên cạnh đó vấn đề sản xuất muối sạch được quan tâm hàng đầu.
 
Tuy nhiên trên thực tế thì bà con diêm dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp nghiêm trọng, mặt ruộng chưa được cải tạo, diêm dân chưa có vốn để sửa chữa ô nại, nhất là các kênh chiêm không được thay thế, ô nại, chạt lọc không đảm bảo tiêu chuẩn.
 
Ông Mai Danh Mạc, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết để tu bổ lại 1 ha đồng muối phải mất khoảng 200 triệu đồng, nếu làm mới phải đầu tư khoảng 600 triệu, nghề muối của bà con diêm dân nơi đây làm còn chưa đủ ăn lấy đâu ra số tiền lớn như vậy mà đầu tư.
 
Trao đổi với Dân trí ông Nguyễn Văn Hoằng, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, nhiều dự án của cả tỉnh và Bộ NN&PTNT đã được phê duyệt nhưng sau đó lại bị lãng quên, nguồn ngân sách ở địa phương có hạn không đủ năng lực để đầu tư cho nghề muối.
 
Được biết mới đây trên cơ sở của quyết định 2348, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt lại dự án nâng cấp cải tạo đồng muối ở hai xã Hải Lộc và Hoà Lộc nâng tổng mức đầu tư lên trên 36 tỷ đồng.
 
Những cánh đồng muối ngày một xơ xác, trong khi đó các dự án đã được phê duyệt vẫn chưa biết bao giờ mới được triển khai.
 
Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm