Dịch vụ di động: Coi chừng “chiến tranh giá cước”
Việc 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone được Bộ Bưu chính Viễn thông chấp nhận cho giảm cước di động đã lập tức đặt ra một loạt vấn đề. Đó là liệu khi cước giảm, thuê bao tăng mạnh, 2 mạng trên có đáp ứng được chất lượng dịch vụ (vốn vẫn tồi) hay không?
Liệu có xảy ra một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng giữa VNPT (doanh nghiệp chi phối) và các doanh nghiệp viễn thông mới? Và nữa, một cuộc “chiến tranh” giá cước liệu có nổ ra, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng?
Chất lượng có giảm?
Trả lời câu hỏi vì sao Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã trình phương án giảm cước di động từ nhiều tháng trước, nhưng đến nay Bộ Bưu chính Viễn thông mới đồng ý, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng cho biết, thời điểm 2 tháng trước, năng lực mạng lưới, khả năng đáp ứng dịch vụ của VNPT chưa đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Thắng không khẳng định về việc mạng lưới ấy đã đảm bảo hay chưa nếu như lượng thuê bao của 2 mạng VinaPhone và MobiFone sẽ tăng vọt (hệ quả của việc giảm cước).
Câu trả lời dường như đã có, khi chính một thứ trưởng khác của Bộ Bưu chính Viễn thông - ông Trần Đức Lai - trong phần trả lời báo giới mới đây - đã nói: “Hiện nay, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho mạng lưới đã chững lại. Tình trạng nghẽn mạng thời gian qua đã thường xuyên xảy ra và người thiệt thòi chính là khách hàng”.
Ông Lai cho biết thêm, tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng của VNPT thời gian qua là chậm, chỉ đạt 30 - 35% kế hoạch.
Các doanh nghiệp mới lo lắng
Bà Phạm Thị Kim Cúc - Phó tổng giám đốc Saigon Postel - cho biết, việc VNPT giảm giá một loạt dịch vụ viễn thông (không riêng dịch vụ di động) thời gian qua đã đẩy các doanh nghiệp mới vào thế khó khăn.
“Đeo bám theo VNPT thì các doanh nghiệp nhỏ đuối sức, bởi họ (VNPT) kiểm soát đường trục, đã đầu tư lâu, khấu hao đã hết (hoặc gần hết), việc giảm giá không khiến việc kinh doanh của họ ảnh hưởng lớn. Nhưng đối với những doanh nghiệp mới, đầu tư ít, giảm giá theo sẽ gặp khó khăn”, bà Cúc nói.
Vẫn canh cánh nỗi lo “rớt mạng”
Một điều dễ thấy, với lợi thế về cơ sở hạ tầng, về mạng lưới phân phối và số lượng lớn thuê bao sẵn có, các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế hoàn toàn đủ sức đại hạ giá để hạ gục những đối thủ cạnh tranh.
Dư luận có lý do nghĩ rằng thị trường sẽ bị chi phối bởi những kẻ mạnh và thị trường trở lại trạng thái độc quyền doanh nghiệp. Nguyên nhân sâu xa, theo một số chuyên gia, kiểm soát giảm giá không chỉ là bảo vệ doanh nghiệp mới để hình thành một thị trường cạnh tranh lành mạnh, mà chính là giải quyết những uẩn khúc trong hạch toán giá thành của các nhà cung cấp chiếm thị phần lớn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Nam Thắng, khi duyệt phương án giảm cước của VNPT, Bộ cũng đã tính đến yếu tố đảm bảo ổn định thị trường. Nếu như 2 tháng trước, thuê bao của Viettel chỉ là 600.000 thì nay đã lên 1 triệu. SFone 200.000 lên 600.000. Việc giảm cước của VNPT sẽ không ảnh hưởng gì nhiều.
Có xảy ra “chiến tranh”?
Mới đây, Viettel chính thức công bố mức cước mới từ 10/9 đối với các dịch vụ giá trị gia tăng khác mà công ty đang tiến hành thử nghiệm như giải trí với truyền hình, hỗ trợ khách hàng, đấu số... Cước nhắn tin cũng giảm xuống 350 đồng/tin.
EVN-Telecom dù chưa “hoà mạng” song cũng đã tuyên bố cước sẽ thấp hơn VNPT. Một loạt doanh nghiệp viễn thông khác cũng đang tính toán điều chỉnh giá.
Dư luận lo sợ một cuộc “chiến tranh giá cước” sẽ xảy ra. Nó xảy ra khi mà các doanh nghiệp còn chưa kịp đầu tư thiết bị công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí giá thành, nâng cao năng suất lao động..., mặc dù như Thứ trưởng Thắng nói: “Giảm giá cốt chỉ để chiếm lĩnh thị phần thì doanh nghiệp không tồn tại được”.
Một khía cạnh khác, việc đua nhau giảm cước hiển nhiên sẽ khiến người sử dụng dịch vụ chịu thiệt thòi vì dịch vụ kém. Giá cước dưới giá thành thì về lâu dài doanh nghiệp không thể đảm bảo đầu tư nhằm tăng chất lượng dịch vụ.
Vậy thì phải tránh “chiến tranh” như thế nào? Ông Thắng cho biết, bộ chuẩn bị ban hành quy định cụ thể về chỉ tiêu chất lượng dịch vụ (trong đó khống chế số lượng khiếu nại bao nhiêu, nghẽn mạch bao lâu, thời gian xử lý sự cố bao lâu... thì đạt).
Kèm theo đó, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ tăng cường giám sát chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp, nếu phát hiện yếu kém yêu cầu xử lý ngay, còn để yếu kém lặp đi lặp lại, có thể sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ...
Theo Lao động