Dịch viêm phổi Vũ Hán “kéo chậm” tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu

(Dân trí) - Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa đưa ra đánh giá rằng sự bùng phát trên diện rộng của virus Corona chủng mới được cho là sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tác động của bệnh dịch trên, trong ngắn hạn, nhiều khả năng sẽ dẫn đến một giai đoạn chậm lại của nền kinh tế thế giới. Trong dài hạn, hiệu ứng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp vẫn chưa được đánh giá vì thiếu dữ liệu và thời gian theo dõi mô hình lây lan. Thế giới cần phải đánh giá được tốc độ hành động cần thiết để kiểm soát sự lây lan của virus Corona, cũng như hiệu quả thực sự của các biện pháp được đưa ra.

Những tác động ban đầu đã được thể hiện rõ trong những ngày qua. Theo Giám đốc IMF, thế giới chứng kiến những tác hệ quả trực tiếp đang dần hình thành ở lĩnh vực sản xuất, các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng từ sự gián đoạn do bệnh dịch trên tạo ra. Những lĩnh vực như vận tải hành khách và du lịch cũng đã trực tiếp bị thiệt hại trong tuần qua.

Tuy nhiên, theo đánh giá trên thì dịch viêm đường hô hấp cấp tính cuối cùng cũng chỉ có tác động “tương đối nhỏ” đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dịch viêm phổi Vũ Hán “kéo chậm” tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu - 1

Nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với nguy cơ tăng trưởng chậm lại doc dịch viêm phổi Vũ Hán

Trước đây, tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo cáo dịch SARS lây lan đến 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra cái chết cho 774 người trong bảy tháng kéo dài từ năm 2002 đến 2003. Bà Georgieva đánh giá, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đã giảm nhẹ trong và ngay sau khi đại dịch SARS được kiểm soát thành công. Nhưng sau đó nền kinh tế thế giới sẽ lấy lại đà tăng trưởng, dẫn đến kết quả là tốc độ tăng trưởng cả năm chỉ bị giảm 0,1%.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc giữ vai trò quan trọng hơn rất nhiều trong nền kinh tế quốc tế so với 17 năm trước. Nền kinh tế Trung Quốc tại thời điểm diễn ra dịch SARS chiếm tỷ lẹ nhỏ hơn trong nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế nước này chỉ chiếm 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2003, nhưng hiện nay đã đóng góp lên đến 18% tổng GDP toàn cầu. Theo đó, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng hơn trên bình diện quốc tế.

IMF dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% vào năm nay nhưng vẫn ở tình trạng trì trệ và các nguy cơ vẫn còn đó. Quỹ tiền tệ này đã có kế hoạch đưa ra đánh giá tác động kinh tế của dịch virus Corona sớm nhất là trong tháng này. Những mối quan ngại về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đã gây thiệt hại cho giá cổ phiếu, trong đó chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones mất 603 điểm vào thứ sáu tuần trước.

Về chính sách tiền tệ, Giám đốc điều hành IMF đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ đối với các ngân hàng trung ương các nước về sự cần thiết của việc duy trì lập trường chính sách tiền tệ thích ứng (accommodative stance) trong năm 2020. Trong năm 2019, 49 ngân hàng trung ương đã cắt giảm tỷ lệ lãi xuất, nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế lên thêm nửa điểm phần trăm.

Nếu các nước không có chính sách tiền tệ đồng bộ như thế, tăng trưởng kinh tế sẽ có lẽ đã rơi vào vùng nguy cơ suy thoái theo đánh giá của IMF. Tuy nhiên, chính sách nới lỏng thái quá đã làm cho nợ vượt mức tiền khủng hoảng nợ. Trong cơn khát lợi nhuận, các thực thể kinh tế trở nên cởi mở hơn trong việc chấp nhận nhiều rủi ro hơn, do đó sự tăng lên của rủi ro cần phải đặt vào tâm điểm theo dõi.

Các ngân hàng trung ương của Nhật Bản và châu Âu đang tiến tiến hành một nghiên cứu chung về việc phát hành các đồng tiền điện tử. Theo bà Georgieva, IMF nhận thấy những lợi ích đáng kể từ việc chuyển sang các đồng tiền điện tử, trong đó có yếu tố giảm chi phí. Đồng thời, các đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành phải đối mặt với các nguy cơ như tấn công mạng, cũng như các hậu quả không mong muốn trong hệ thống ngân hàng của một quốc gia. Theo đó, IMF khuyến nghị các nước cần có cách tiếp cận hết sức cẩn trọng khi quyết định chuyển sang đồng tiền điện tử.

Mỹ và Trung Quốc đã ký thoả thuận thương mại “giai đoạn một” vào tháng 1 vừa qua. Vào tháng 11 năm ngoái, IMF ước tính những căng thẳng thương mại sẽ cuốn đi 0,8% tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020. Thế giới cần nhận thức rằng trong 0,8% trên, chỉ có 0,3% có nguyên nhân từ các loại thuế được áp dụng, 0,5% còn lại bắt nguồn từ sự sụt giảm đầu tư do những yếu tố không chắc chắn. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhanh hơn sẽ không diễn ra khi chúng ta không giải quyết được các yếu tố không rõ ràng trong nền kinh tế.

Bà Georgieva cũng đã lưu ý đến “sự giảm đi đáng kể” của nguy cơ từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Anh rời EU vào ngày 31/1 vừa qua mặc dù các cuộc đàm phán vẫn chưa hoàn thành. Nhưng điều đó không có nghĩa là yếu tố bất định của việc Anh rời EU (Brexit) đã được loại bỏ hoàn toàn bởi vì thế giới mới chỉ đang đứng ở “điểm cuối của giai đoạn khởi đầu Brexit”.

IMF dự báo thành tựu kinh tế của Anh sẽ bị giảm 3% trong vòng một thập kỷ tới, thậm chí còn hơn thế.

Hoàng Khánh

Theo Nikkei