Dịch tả lợn đẩy người nông dân chuyển hướng sang chăn nuôi bò và đà điểu
(Dân trí) - “Tôi đã chịu đủ tổn thất và đau đầu từ việc chăn nuôi lợn”, ông Chiến, 56 tuổi, chủ một trang trại ở ngoại thành Hà Nội cho biết. “Tôi sẽ không nuôi lợn nữa”
Không thực sự mất nhiều thời gian để dịch lợn chết người càn quét khắp cả nước và đe dọa ông Trần Văn Chiến từ bỏ đàn lợn hơn 6.000 con của mình.
Chỉ ba tháng kể từ khi lần đầu tiên dịch cúm lợn châu Phi bùng phát, người nông dân chăn nuôi lợn hơn 20 năm này đã từ bỏ một loại thịt mà đất nước mình yêu quý. Thay vào đó, ông trông đợi tương lai của mình vào gà, bò và thậm chí là đà điểu, loài chim không biết bay khổng lồ này đang là nguồn thịt ngày càng phổ biến cho bít tết và phở ở Việt Nam.
“Tôi đã chịu đủ tổn thất và đau đầu từ việc chăn nuôi lợn”, ông Chiến, 56 tuổi, chủ một trang trại ở ngoại thành Hà Nội cho biết. “Tôi sẽ không nuôi lợn nữa”
Ông Chiến không phải là hộ nông dân nuôi lợn duy nhất từ bỏ. Trên thực tế, cả nước đang khuyến khích một số lượng lớn các trang trại chăn nuôi lợn mở rộng sản xuất sang các vật nuôi khác. Với mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người cao nhất thế giới, Việt Nam đã chứng kiến dịch lợn châu Phi tàn phá ngành chăn nuôi lợn và gây thiệt hại đáng kể tới nền kinh tế quốc gia.
Hơn 1,7 triệu lợn đã bị tiêu hủy kể từ lần đầu căn bệnh này được phát hiện ở hai tỉnh miền Bắc vào đầu tháng Hai. Con số này thậm chí còn lớn hơn cả Trung Quốc, nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới với sản lượng gấp 20 lần Việt Nam sau gần 10 tháng bị nhiễm virus.
Tại Đồng Nai, nơi là được biết đến như thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, số lượng lợn đã giảm tới 20%, xuống còn 2 triệu con lợn từ đầu năm nay. Thay vào đó, nhiều nông dân đang chuyển sang nuôi vịt và gà. Thậm chí, đà điểu, lần đầu tiên được chính thức chăn nuôi ở Việt Nam vào năm 1995, giờ đây đang có giá gấp ba lần thịt lợn.
Số lượng gia cầm chăn nuôi của cả nước đã tăng 6,8% trong tháng 4 vừa qua so với cùng kì năm trước, trong khi số lượng bò đã tăng 3,1%. Ở Đồng Nai, riêng số lượng vịt được nuôi đã tăng gấp đôi.
“Các trang trại vịt thương mại ở Đồng Nai đang mọc lên như nấm” ông Nguyễn Kim Đoan, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết. Với việc dịch lợn châu Phi đang lan tràn và tàn phá ngành chăn nuôi, một cuộc khủng hoảng về thiếu thịt lợn đang diễn ra trên khắp cả nước.
Thịt lợn từ lâu đã là nguồn Protein chính được lựa chọn của người Việt. Tính đến năm ngoái, khoảng 70% tất cả thịt được tiêu thụ trong nước là thịt lợn, trong khi thịt gà chiếm khoảng 20%, tiếp theo là thịt bò ở mức dưới 10%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải kêu gọi cả nước cân bằng tốt hơn ngành chăn nuôi của mình. Thủ tướng nói rằng cần phải thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa để phát triển thêm các loại thịt khác ngoài thịt lợn nhằm đảm bảo sinh kế cho người nông dân và cung cấp lương thực cho người dân cả nước.
“Điều đó là đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp ở các địa phương, đặc biệt là các thành phố đông dân như Hà Nội, để đạt được sự cân bằng trong nguồn cung thịt.”
Thủ đô Hà Nội và cũng là khu vực sản xuất thịt lợn lớn thứ hai cả nước đã có kế hoạch tăng gấp ba lần số lượng bò được chăn nuôi vào năm 2025. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Hà Nội, nếu chính phủ không tăng lượng cung thịt bò, gà và vịt, cuối năm nay, cả nước sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt thịt lợn.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù kế hoạch đa dạng hóa các nguồn thịt khác ngoài thịt lợn đang được tiến hành, chính phủ cũng đã yêu cầu người chăn nuôi và các doanh nghiệp dự trữ lợn khỏe mạnh để tránh tăng giá. Nhà nước cũng sẽ khuyến khích các thương nhân nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, như Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Nhưng điều đó không đủ để ảnh hưởng tới quyết tâm của ông Chiến. Sau nhiều năm bị giảm giá thịt lợn do tình trạng thừa cung quốc gia, đồng thời nguy cơ đàn lợn của ông sẽ bị xóa sổ vì dịch bệnh, là giọt nước tràn ly đối với người nông dân đang trên bờ vực phá sản này. Đầu tháng Năm, ông đã đã mua 20.000 con gà, 200 con đà điểu và đang chờ để nuôi thêm 30 con bò.
“Giá cả thấp, dịch bệnh và ô nhiễm liên quan đến phân lợn là nguyên nhân chính cho quyết định chia tay việc chăn nuôi lợn sau hơn hai thập kỷ”, theo ông Chiến. “Tôi hy vọng con đường mới của mình sẽ ổn định hơn và có thể giúp tôi thoát khỏi nợ nần”.
Vũ Huy Hoàng
Theo Bloomberg