Dịch Covid-19: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 4,9%
(Dân trí) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ước tính, do dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có thể giảm 1,6% so với dự báo 6,5% trước đây xuống còn 4,9%.
Trong Báo cáo "Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Các quốc gia phải hành động ngay để giảm thiểu cú sốc kinh tế của Covid-19" vừa được WB đưa ra, tổ chức này đã đưa ra nhiều đánh giá đối với kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, WB cho biết, mặc dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch cúm virus corona gần đây, nay đã trở thành đại dịch toàn cầu.
"Ước tính sơ bộ cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020 (nghĩa là giảm khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo của chúng tôi trước đó)", Báo cáo về Việt Nam của WB cho hay.
Theo WB, vì số ca bị nhiễm còn tương đối thấp, du lịch, chế tạo và chế biến là các ngành chịu tác động tiêu cực quan trọng nhất của dịch bệnh do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại.
WB cảnh báo: "Vị thế kinh tế đối ngoại được dự báo sẽ xấu đi trong năm 2020 chủ yếu do suy giảm về xuất khẩu dịch vụ (du lịch) và dòng vốn FDI đổ vào ít hơn. Bội chi ngân sách tạm thời tăng lên trong năm 2020 do thu ngân sách thấp hơn và do triển khai gói kích cầu tài khóa nhằm phần nào bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu với nền kinh tế Việt Nam".
Tuy nhiên, trong trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam được WB dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.
Theo WB, trong ngắn hạn, dịch Covid-19 có thể tạo ra tác động bất lợi tăng thêm cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong các ngành du lịch, chế tạo và chế biến hiện phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.
Những rủi ro khác trong ngắn hạn là hoạt động kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm do Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất hiện nay trên thế giới.
Theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - ông Ousmane Dione: Việt Nam nên làm gì trước đại dịch. Chiến lược gồm 3 bước: Giải quyết cho khu vực bị ảnh hưởng trước mắt, có gói cứu trợ giãn nộp thuế, hỗ trợ trả nợ vay, trả nợ cho người bị mất việc làm nhất là khu vực kinh tế phi chính thức. Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng.
Khi thoát khỏi khủng hoảng phải có gói kích hoạt nền kinh tế, kích thích nhu cầu đầu tư tư nhân, cơ hội để Chính phủ cũng như số hóa nền kinh tế bằng cách phát triển các dịch vụ trực tuyến, nhanh chóng đẩy mạnh chính phủ điện tử.
"Các ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất, ngay trước mắt đây ngành du lịch không có lượt khách du lịch nào nữa, vận tải, các doanh nghiệp xuất khẩu khác", Giám đốc WB tại Việt Nam nói.
Theo ông Ousmane, Chính phủ có gói kích thích theo các cấp khác nhau, vấn đề không phải là phải đáp ứng tất cả các nhu cầu mà phải hỗ trợ kịp thời thì họ mới vượt qua khó khăn.
Ông này khuyến nghị, Chính phủ cũng đã tiến hành nhiều biện pháp, tuy nhiên phải đến được người dễ bị tổn thương nhất, đến được những người nằm trong khu vực phi chính thức để vượt qua khó khăn.
Cuối cùng là chính sách hậu Covid-19, ông Ousmane Dione khuyên Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường nhưng cũng nhìn thấy rõ hạn chế. Việt Nam cần học hỏi từ dịch bệnh Covid-19 bằng cách đẩy mạnh nền kinh tế số.
Nguyễn Tuyền