1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Địa phương lạm thu, "đứa trẻ mới ra đời" đã phải gánh phí vô lý

(Dân trí) - Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội, trên thực tế đang tồn tại những khoản thu bất hợp lý như phí bảo vệ trụ sở làm việc, phí bảo vệ nhà trường, phí khuyến học, phí hỗ trợ cán bộ Văn phòng Đảng ủy, phí hỗ trợ Ban công an xã... Các khoản thu này đều tính trên đầu người dân nên có tình trạng có những em bé vừa ra đời đã phải gánh trên vai những khoản phí không có trong danh mục.

Phát biểu tại nghị trường trong phiên họp mới đây, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) khi đề cập đến vấn đề thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí đã cho biết, trong thời gian gần đây xảy ra hiện tượng lạm thu ở một số địa phương, nhất là khu vực nông thôn.

"Điều đặc biệt là các khoản thu này đều tính trên đầu người dân nên có tình trạng có những em bé vừa ra đời đã phải gánh trên vai những khoản phí không có trong danh mục", bà Mai cho hay.

Nhiều địa phương xảy ra tình trạng lạm thu phí, lệ phí
Nhiều địa phương xảy ra tình trạng lạm thu phí, lệ phí

Vị đại biểu dẫn phản ánh của cử tri, trên thực tế tồn tại những khoản thu bất hợp lý như phí bảo vệ trụ sở làm việc, phí bảo vệ nhà trường, phí khuyến học, phí hỗ trợ cán bộ Văn phòng Đảng ủy, phí hỗ trợ Ban công an xã... Điều này đã tạo gánh nặng cho người dân, gây phản ứng bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền.

Hiện tại hệ thống pháp luật về phí, lệ phí, đặc biệt là Luật phí và lệ phí năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017 đã xác định rõ thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí. Theo đó, chỉ có Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mới được quyền quy định về các khoản phí dựa trên danh mục đã được Quốc hội ban hành.

"Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, bảo đảm tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần đôn đốc các địa phương có biện pháp kiểm soát các hoạt động thu ở cấp cơ sở, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực này để tạo niềm tin cho người dân vào bộ máy nhà nước", đại biểu TP Hà Nội nêu.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) thậm chí phát biểu một cách gay gắt rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều nơi chạy theo thành tích, huy động đóng góp quá sức của nông dân với nhiều khoản đóng góp phi lý như cảnh sưu cao, thuế nặng không khác gì thời phong kiến.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, một số địa phương chạy theo thành tích nhất là chạy thành tích toàn huyện đạt tiêu chí nông thôn mới nên vay nợ xây dựng các công trình dẫn đến nợ đọng không có khả năng trả. Đến tháng 6, số nợ đọng ở 52 tỉnh, thành phố lên đến 15.212 tỷ đồng. Tình trạng này gây áp lực lên nợ công quốc gia.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) đánh giá tình hình nợ công tuy vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng có chiều hướng gia tăng và đang ở mức đáng lo ngại. Bội chi tăng, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015.

So với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam có mức nợ công GDP cao hơn, cao gấp đôi so với nhiều nước và 1,5 lần so với Thái Lan, nước có nợ công trên GDP đứng sau Việt Nam. Nợ công tăng nhanh nhưng khả năng trả nợ còn hạn chế, gây áp lực tăng lãi suất trong nước, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và các ngành, tạo rủi ro và thách thức trong phát triển trung và dài hạn.

Đặt trong bối canh trên, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, cho hay, hiện nay nhiều địa phương đang chuẩn bị tích cực các văn bản để trình Chính phủ ban hành, trong đó hầu hết đều đề nghị cho phép tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, tăng tỷ lệ bổ sung có mục tiêu, có địa phương đề nghị có chính sách thuế riêng ưu đãi cho địa phương mình.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 74 của Luật ngân sách nhà nước và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017 thì Chính phủ sẽ quy định về cơ chế tài chính đặc thù cho một số thành phố trực thuộc trung ương.

"Chúng tôi cho rằng việc ban hành cơ chế tài chính đặc thù là cần thiết nhằm tạo động lực phát triển khu vực kinh tế trọng điểm có tính lan tỏa. Tuy nhiên, bên cạnh sự cần thiết thì việc ban hành cơ chế tài chính đặc thù cần được cân nhắc thận trọng, có lựa chọn hợp lý, không mở quá rộng phạm vi đối tượng nhằm bảo đảm công bằng về chính sách giữa các địa phương, tránh ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương và tạo gánh nặng về nợ công", vị đại biểu nêu quan điểm.

Bích Diệp