Đi tìm sức hấp dẫn của nội thất sơn mài

(Dân trí) - Đã tồn tại ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước, nghệ thuật sơn mài luôn tiềm tàng những giá trị riêng của nó, ngay cả trong cuộc sống hiện đại. Hãy cùng Hanoia tìm hiểu những ngôn ngữ biểu đạt bí ẩn của sơn mài qua bộ sưu tập nội thất mới được ra mắt của thương hiệu này.

Đi tìm sức hấp dẫn của nội thất sơn mài - 1

Tại Việt Nam, những vết tích đầu tiên về sơn mài được khai quật cách đây hàng trăm năm. Vào thời Đinh (930-950), dân ta đã dùng mủ cây sơn để trét thuyền, rồi lần lượt qua các triều đại Lê, Lý, Trần, nhiều cổ vật, nhiều pho tượng gỗ được sơn son thếp vàng vẫn còn lưu lại. Mãi đến thời vua Lê Nhân Tông (1443-1460), cụ Trần Lư (hiệu Trần Thương Công) mới được tôn là ông tổ của ngành này. Các học trò của cụ đã lập phường thợ tỏa đi khắp nơi, những người giỏi được triều đình thu nạp vào nội phủ để trang trí nội thất cung điện. Bởi vậy, Huế là nơi mà những vết tích và tác phẩm sơn mài cổ còn được bảo lưu một cách quy mô và đầy đủ nhất.

Cho tới hôm nay, sơn mài Việt vẫn giữ được cốt cách, đặc thù vốn có và đang từng bước chuyển mình để thích nghi với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Không chỉ được dùng để trang trí đồ thờ, hoành phi, câu đối cho cung điện, đền chùa, miếu mạo…, sơn mài đã len lỏi vào mỗi gia đình Việt và được thể hiện hài hòa trong không gian sống đương đại, với những sắc màu, kiểu dáng phong phú.

Đó cũng là cách mà thương hiệu thủ công cao cấp Hanoia đã tiếp cận sơn mài Việt để cho ra đời dòng sản phẩm nội thất sơn mài, nhằm thỏa mãn nhiều xu hướng khác nhau trong xã hội.

Đi tìm sức hấp dẫn của nội thất sơn mài - 2

Nét đặc sắc nhất của bộ sưu tập này chính là bí quyết thủ công tinh xảo nhằm đảm bảo cùng lúc tính thẩm mỹ và độ vững chắc của sản phẩm. Có thể kể đến kỹ thuật làm mộc vô cùng tỉ mỉ để tạo nên những cấu trúc chắc khỏe, những đường cong uốn lượn, những khớp nối chính xác, hay những vân gỗ đồng điệu với màu của sơn mài. Kỹ thuật cơ khí kết hợp kim loại với sơn mài cũng được thể hiện rất độc đáo trong một số sản phẩm, nhằm đáp ứng một ý tưởng táo bạo của nhà thiết kế.

Đi tìm sức hấp dẫn của nội thất sơn mài - 3

Nhưng vượt trội hơn cả vẫn là kỹ thuật sơn mài để tạo nên nhiều hiệu ứng phong phú, như hiệu ứng mài xước với 5 gam màu ấn tượng, hiệu ứng cẩn ốc nhuộm màu lan tỏa mang vẻ đẹp bí ẩn của những dải ngân hà, hiệu ứng cẩn veneer theo hoa văn hình dẻ quạt chính xác đến từng chi tiết hay hiệu ứng nhuộm màu để lộ vân gỗ trên mảng rộng v.v… Đây đều là những kỹ thuật khó do Hanoia dày công nghiên cứu, đòi hỏi bàn tay khéo léo, sự tập trung cao độ và con mắt thẩm mỹ của người thợ.

Đi tìm sức hấp dẫn của nội thất sơn mài - 4

Theo các nghệ nhân của xưởng Hanoia, việc chế tác đồ nội thất sơn mài cũng vô cùng phức tạp, bởi nó cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều công đoạn. Ví như chiếc ghế sofa, để phần ốp sơn mài ôm lấy đường cong thành ghế, kết cấu mộc, đệm, vải phải chính xác đến từng mi-li-mét. Hay mặt bàn cẩn veneer, để có thể kết nối thành một mảng đều khít, các miếng cắt cần bằng nhau chằn chặn, bởi mọi thừa, thiếu đều dẫn đến việc phải phá bỏ và làm lại từ đầu.

Không thể kể hết tình yêu và lòng kiên nhẫn mà mỗi nghệ nhân Hanoia đặt vào các tác phẩm của mình. Mỗi lớp sơn được phủ lên đều phải mài cho mỏng đi. Cũng không có công thức cần mài đi bao nhiêu. Tất cả phụ thuộc vào cảm giác của người thợ. Chỉ bàn tay họ mới cảm nhận được lúc nào độ mịn đã đủ và lớp sơn trước đó chưa bị tổn thương. Ngay cả khi phun sơn, chuyển động của dòng sơn cũng phải mỏng tuyệt đối và uyển chuyển, dịu mềm để tạo nên độ sâu mượt tinh tế. Như người thợ cả của Hanoia từng nói: “Chúng tôi vẫn đang làm sơn mài bằng kỹ thuật truyền thống mà tổ tiên và ông bà mình để lại”.

Vâng, cho dù công nghệ có phát triển đến đâu, sức hấp dẫn của sơn mài Việt cũng bắt nguồn từ những bí quyết thủ công truyền thống. Thẳm sâu bên trong ánh trai trứng lộng lẫy, ánh sơn mài óng ả, mượt mà, vẫn là âm thanh của ngàn xưa vọng lại bắt nhịp vào cuộc sống ngày nay.

Hanoia Tràng Tiền

Địa chỉ: 61 Tràng Tiền, Hà Nội

Website: www.hanoia.com