1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đi tìm một đồng tiền mới

Gần đây Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên kêu gọi tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế mới thay thế đồng đô la Mỹ (USD).

Ông Chu Tiểu Xuyên đã đổ lỗi khủng hoảng tài chính toàn cầu là do Mỹ đã quản lý kém các khoản vay và đầu tư thế chấp bất động sản quá mức trong nhiều năm.

Ông Chu kêu gọi tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế mới thay thế đồng USD như là một phần của việc cải cách tài chính toàn cầu đang phải chịu tổn thất nặng nề vì cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Đại suy thoái những năm 1930.

Theo ông Chu, mục tiêu của hệ thống tiền tệ mới là nhằm vượt qua những yếu kém của trật tự tiền tệ hiện tại. Ông đề cập tới ý tưởng của John Maynard Keynes về một loại tiền có tên gọi là Bancor.

Bancor là một loại tiền tệ quốc tế do John Maynard Keynes, với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Anh đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Ngân hàng Thế giới, đề xuất tại Hội nghị Tiền tệ Thế giới tại Bretton Woods ở Mỹ năm 1944.

Ý tưởng chủ đạo của Bancor là một loại tiền tệ không thể chỉ dựa vào một loại kim loại quý duy nhất như là vàng và do vậy bị lệ thuộc vào những yếu tố ngẫu nhiên, mà phải là một rổ gồm 30 loại nguyên liệu quan trọng được mua bán nhiều trong thương mại quốc tế.

Vị trí đặt quảng cáoGiống như đồng tiền trong hệ thống bản vị vàng, đồng tiền dựa trên cơ sở dự trữ hàng hóa không phải là tiền của một quốc gia nào và cũng không phải là tiền tín dụng. Với đồng tiền này các ngân hàng thương mại không thể gia tăng khối lượng tiền tệ trong lưu thông lên nhiều lần.

Tương tự như đồng tiền của chế độ bản vị vàng trong đó ngân hàng trung ương cất giữ vàng, mua và bán chúng theo những quy tắc nhất định, trong cơ chế tiền dựa trên rổ nguyên liệu họ cũng cất giữ nguyên liệu, bán chúng ra khi khan hiếm, và ngược lại mua vào để rút khỏi thị trường khi dư thừa. Người ta hy vọng nó sẽ giúp ổn định giá cả trung bình của hàng hóa và nhờ vậy ổn định phương tiện trao đổi quốc tế và dự trữ giá trị.

Tuy nhiên, John Dexter White, với tư cách là đại diện của siêu cường Mỹ trong hội nghị này, đã áp đảo chương trình đàm phán bằng kế hoạch của mình, đồng thời đưa đồng đô la Mỹ lúc đó đang theo chế độ bản vị vàng trở thành trung tâm của hệ thống tiền tệ quốc tế cho tới tận bây giờ.

Lịch sử cho thấy các nhà kinh tế quốc tế hàng đầu có những ý kiến trái chiều về Bancor. Những người ủng hộ đồng tiền dựa trên rổ hàng hóa tin rằng nó sẽ giúp ổn định giá cả và chu kỳ tăng trưởng. Những người phê phán thì lại cho rằng hệ thống tiền tệ này có chi phí cao do phải lập các kho dự trữ hàng hóa lớn.

Walter Eucken, một trong những người mở đường của nền kinh tế thị trường xã hội cho rằng Bancor là tích cực, trong khi Milton Friedman, người đoạt giải Nobel kinh tế, lại chê trách vì ông có những ý tưởng riêng của mình cho một hệ thống tiền tệ quốc tế.

Tiếp theo đề nghị này của ông Chu Tiểu Xuyên, Hội đồng Chuyên gia về cải cách cấu trúc kinh tế tài chính quốc tế của Liên hiệp quốc (Hội đồng), sau khi chủ trì và kết thúc một hội nghị ba ngày tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York vào tuần qua, cũng ra tuyên bố ủng hộ một hệ thống tiền tệ dự trữ toàn cầu mới thay thế đồng đô la Mỹ đã được các ngân hàng quốc tế sử dụng trong những thập kỷ qua.

Năm ngoái Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thành lập Hội đồng này gồm 22 nhà kinh tế nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính kinh tế đang gia tăng.

Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế và là Chủ tịch Hội đồng nêu trên đã nói: “Bản chất tự nhiên của cuộc khủng hoảng đã mở ra những cơ hội để thay đổi mà tôi cho rằng không ai có thể hình dung được, thậm chí chỉ một vài tháng trước đây”.

Theo Stiglitz, giữa các nước thành viên Liên hiệp quốc đang có sự đồng thuận ngày càng tăng rằng một hệ thống tài chính dựa vào đồng đô la Mỹ là có vấn đề.Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng đề xuất về một hệ dự trữ toàn cầu mới vẫn còn là ý tưởng mà Hội đồng của ông đang thảo luận.

Ông cho rằng hệ thống hiện tại dễ biến động, gây giảm phát, không ổn định và bản chất là không công bằng. Ông nói: “Các nước đang phát triển cho Mỹ vay hàng ngàn tỉ đô la với lãi suất gần bằng không, trong khi bản thân họ cũng có những nhu cầu vốn khổng lồ. Chính điều này là chỉ báo về bản chất của vấn đề. Xét về một mặt nào đó, đây là những chuyển dịch ròng đến Mỹ như là một hình thức trợ giúp của nước ngoài”.

Hội đồng tin rằng việc tạo ra một hệ thống dự trữ toàn cầu mới sẽ giúp các nước nghèo thông qua một hệ thống tín dụng hoàn thiện hơn được xây dựng trên cơ sở hệ thống Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thiết lập sau Thế chiến II.

Hội nghị thượng đỉnh về tài chính của nhóm G20 diễn ra hôm nay tại London để thảo luận về việc hình thành một trật tự và cấu trúc mới của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu.

Có thể thấy trước đây là một hội nghị đầy thách thức và khó khăn vì các nhóm nước đang chia rẽ và có sự khác biệt lớn về quan điểm, xuất phát từ lợi ích không giống nhau.

Nhưng dù hội nghị kết thúc với kết quả cuối cùng thế nào đi nữa, những vấn đề liên quan tới hệ thống tiền tệ và dự trữ toàn cầu chắc chắn sẽ là một trong những chủ đề nóng bỏng của hội nghị.

Theo TS Phan Văn Thanh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm