1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đi tìm giải pháp phát triển thị trường vốn trong nước

Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua, rất nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn thị trường vốn được phát triển tại Việt Nam, vì đó là kênh tạo vốn dài hạn cho những dự án lâu dài của các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Ông Chris Freund, Giám đốc quỹ Mekong Capital cho hay một số công ty trong khu vực đang tăng cường có mặt tại Việt Nam và thâm nhập thị trường mạnh mẽ. Đây là những công ty về vốn và họ sẽ là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn tại Việt Nam.

 

Hơn nữa, trong tương lai khi các nguồn tài trợ ODA sẽ giảm sút đáng kể thì nguồn huy động từ thị trường tài chính lại càng trở nên đặc biệt quan trọng.

 

Tổ chức đánh giá tín dụng sẽ "gọi" vốn

 

Một trong những lý do khiến cho các nhà đầu tư chưa dám đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam như chúng ta mong đợi là vì cơ sở hạ tầng về đánh giá tín dụng chưa phát triển.

 

Không giống như thị trường cổ phiếu đòi hỏi phân tích kết quả một cách nhanh chóng, trong thị trường trái phiếu, quyết định của nhà đầu tư chỉ được đưa ra dựa trên hiệu quả. Do đó, vai trò của các tổ chức đánh giá tín dụng rất quan trọng.

 

Hơn nữa, khi xem xét đầu tư, nhà đầu tư thường dựa vào hai yêu cầu rất quan trọng. Đó là phương châm kinh doanh của một công ty cũng như là bản báo cáo về thị trường tín dụng.

 

Bà Julie Hunter, Giám đốc thị trường vốn và nợ, Ngân hàng ANZ cũng cho rằng: "Khi xem xét đầu tư, những đánh giá tín dụng doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ tạo lập được lòng tin cho các nhà đầu tư. Do đó muốn phát triển thị trường vốn thì một cơ sở hạ tầng về đánh giá tín dụng rất quan trọng".

 

Hệ thống đánh giá của các tổ chức đánh giá tín dụng không chỉ đem đến niềm tin cho các nhà đầu tư mà còn mang lại lợi ích to lớn cho các công ty chứng khoán. Chính những kết quả mà đánh giá tín dụng đem lại sẽ là những nền tảng cho việc lựa chọn danh mục đầu tư lý tưởng đối với các công ty quản lý, công ty chứng khoán.

 

Theo bà Julie, một nhân tố bổ sung nữa để phát triển thị trường vốn cần phải có giao dịch đảm bảo tài sản và khoản thế chấp mà doanh nghiệp có thể có được. Bà Julie cho rằng tham gia vào Quỹ trái phiếu châu Á (ABF) sẽ thích hợp cho Việt Nam bởi vì những lợi ích mà nó mang lại là khả năng cho những công ty được đánh giá thấp có thể tận dụng được tài sản của mình để tiếp cận với nguồn vốn một cách hiệu quả hơn.

 

"Với lý do này cùng mức độ phát triển của Việt Nam thì Việt Nam có được sự tiếp cận thị trường ABF theo tôi là hợp lý", bà Julie nói. 

 

Kỳ vọng vào thị trường chứng khoán

 

Một trong những kênh của thị trường vốn mà các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng chính là thị trường chứng khoán. Ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ Dragon Capital cho rằng những bước đi khá mạnh dạn của Chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện cho các công ty quản lý quỹ liên doanh được thành lập, các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần, cổ phiếu. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

 

Tuy nhiên, ngoài thị trường chính thức này các công ty còn có thị trường phi trái phiếu đang diễn ra khá sôi động, nhưng đó là nơi nhà đầu tư chưa được bảo vệ và vấn đề định giá chưa được triển khai hiệu quả, việc mua bán vẫn còn mù mờ.

 

Theo ước tính, ở Việt Nam quy mô thị trường chính thức khoảng 145 triệu USD nhưng trên thị trường không chính thức có khoảng 1 tỷ USD cổ phiếu được mua bán. Thị trường chính thức có khoảng 15.000 nhà đầu tư nhưng thị trường không chính thức có khoảng 200.000 nhà đầu tư. Vấn đề này đang được giới doanh nghiệp và các nhà quản lý rất quan tâm.

 

Theo ông Dominic, vấn đề quan trọng là đưa thị trường phi chính thức này trở thành một phần của thị trường chính thức. "Khi đó, thay vì vay vốn 1,5 tỉ USD chúng ta có thể huy động trong thời gian rất ngắn 3-4 tỉ USD. Mục tiêu này có đạt được hay không phụ thuộc nhiều vào luật chứng khoán của Việt Nam sẽ được ban hành trong 6 tháng tới".

 

Ông Dominic cũng cho rằng các nhà đầu tư rất lạc quan về thị trường vốn của Việt Nam vì họ nhìn thấy tiềm năng tiết kiệm rất lớn. "Vấn đề là Việt Nam cần có một loạt các thể chế nội địa như cho vay, mượn và các nguồn vốn trong nước phải huy động được phục vụ cho nhiệm vụ kinh tế lâu dài".

 

Theo Thuỳ Trang
VnEconomy