Đi tìm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam

Ninh An

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo tình trạng thập kỷ mất mát của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Những động lực tăng trưởng mới được các chuyên gia gợi mở gồm tăng trưởng xanh, kinh tế số...

Cảnh báo thập kỷ mất mát

Trình bày tham luận tại phiên toàn thể, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 diễn ra chiều 19/9, TS. Cấn Văn Lực - Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV- cho biết nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu (theo IMF). Định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện.

Các cân đối lớn được đảm bảo, đặc biệt các chỉ số về nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách đều dưới ngưỡng và cách khá xa hạn mức Quốc hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định và lạm phát được kiểm soát bình quân 3 năm (2021-2023) khoảng 2,8% (dưới ngưỡng mục tiêu 4%).

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam hiện tăng trưởng chậm lại. Kinh tế thế giới sau khi phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6% năm 2021, giảm xuống 3% năm 2022 và dự báo khoảng 2,1-2,4% năm nay, trước khi tăng trở lại mức 2,4-2,7% năm 2024.

Đi tìm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam - 1

Ông Cấn Văn Lực trình bày tham luận (Ảnh: Quochoi.vn).

Kinh tế - xã hội Việt Nam từ năm 2020 đến nay cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và hạn chế.

Những thách thức bao gồm: Rủi ro và thách thức từ bối cảnh quốc tế vẫn hiện hữu và có thể kéo dài; hoạt động thương mại quốc tế còn khó khăn, còn giảm dù mức giảm đã chậm lại; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng đã khá dần lên; tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng cao do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu; thu ngân sách Nhà nước sau 2 năm tăng khá bắt đầu suy giảm từ đầu năm 2023 chủ yếu là do ngoại thương giảm, các chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí được áp dụng nhiều hơn trong 6 tháng cuối năm.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 5-5,5%, năm sau là 6% và năm 2025 là 6,5%. Động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 2 phía cung và cầu đều tăng trưởng chậm. Thậm chí chưa bao giờ ngành xây dựng, công nghiệp tăng trưởng dưới 2%.

"Nếu chúng ta không làm gì thì đây sẽ là thập kỷ mất mát. Cứ 10 năm, tốc độ tăng trưởng chậm lại 1 điểm phần trăm", ông Lực nêu vấn đề.

Nhận xét tương tự với ông Lực, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong 30 năm qua được ví như cỗ xe tam mã gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và đang cần có sự phát triển đột phá.

Vũ Tiến Lộc dự báo, việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ theo hình chữ U với đáy rất dài, được ví là thập kỷ mất mát.

Đi tìm động lực tăng trưởng mới

Trong bối cảnh hiện tại, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam.

Theo ông Cấn Văn Lực, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị 2 nhóm giải pháp chính: Nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu; Nhóm giải pháp phát huy, khai thác động lực tăng trưởng mới. Ông Lực cũng nêu ra động lực mới đến từ 7 lĩnh vực mới gồm kinh tế số, tăng trưởng xanh,...

Về phía TS. Vũ Tiến Lộc, ông cho rằng Việt Nam có lợi thế của một nền kinh tế quy mô vừa. Ông đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu. Ông kiến nghị cần có chính sách thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển  công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư, hoàn thiện Luật phát triển công nghiệp trình Quốc hội trong thời gian tới; cần có chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là các dự án có tiềm năng lớn, đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn.

Đối với khu vực tư nhân, ông cho biết cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân rất quan trọng. Qua đó, khơi dậy nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.