Đi chung xe - giải pháp giảm ùn tắc cho giao thông đô thị
Ùn tắc giao thông đang là vấn nạn mà hầu như các nước trong khu vực Đông Nam Á đều gặp phải. Tuy vậy, các nước như Malaysia, Philippines, Indonesia… đã từng bước khắc phục tình trạng này bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó hình thức đi chung xe được xem là một giải pháp mang lại hiệu quả cao.
Ùn tắc – vấn nạn chung của toàn khu vực
Theo thống kê, tại Indonesia, người dân Jakarta mất hơn 400 giờ, tương đương 17 ngày/năm cho việc tham gia giao thông. Trong một nghiên cứu đánh giá toàn cầu của Waze, thì xe điện ngầm ở Manila, Philipines là nơi có tình hình giao thông tệ nhất thế giới. Việc tắc đường này đã khiến châu Á giảm 2-5% GDP mỗi năm.
Việc gia tăng lượng xe cá nhân được xem là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, đặc biệt là với những quốc gia đang còn nhiều hạn chế về quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông. Theo một nghiên cứu của ngân hàng DBS thì lượng xe cá nhân ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia sẽ tăng ít nhất 10,5% một năm từ đây đến 2020, dự kiến sẽ tiếp tục gây quá tải cho hạ tầng hiện có. Tại Việt Nam, với con số tăng trung bình hơn 3 triệu xe/năm, ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 60 triệu xe máy lưu thông, tương đương với 2/3 dân số. Tại các đô thị lớn, lượng người sở hữu xe máy cá nhân có xu hướng nâng cấp phương tiện lên xe hơi 4 bánh cũng tăng mạnh. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2017 đã nhập khẩu 28.000 xe, trong đó xe ô tô dưới 9 chỗ chiếm tới 70%. Những con số này cho thấy, sự gia tăng lượng xe cá nhân chính là yếu tố khiến nhiều đô thị lớn tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ ùn tắc cao, khi mọi tuyến đường đã trở nên quá tải, do quy hoạch và phát triển đô thị chưa đồng bộ và năng lực, chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu chưa cao.
Đi chung xe – giải pháp giao thông hiện đại, văn minh
Để giải quyết vấn nạn này, các quốc gia tại Đông Nam Á đang tập trung vào việc gia tăng phương tiện giao thông công cộng hoặc khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ đi chung xe để cải thiện tình trạng ùn tắc. Ví dụ, từ giữa thập niên 90 ở Indonesia, các ô-tô khi đi qua các tuyến đường của thủ đô Jakarta phải có ít nhất 3 người để tối ưu hóa việc sử dụng phương tiện. Tương tự, “jeepney” – một hệ thống taxi chia sẻ ở Philippines cũng được đưa vào sử dụng, giúp người dân cảm thấy thoải mái và tiết kiệm hơn khi di chuyển.
Mới đây, Malaysia – đất nước sở hữu lượng xe hơi nhiều thứ 3 thế giới (có tới 93% hộ dân sở hữu ít nhất một xe hơi, 54% hộ dân sở hữu nhiều hơn một ô-tô), đã đưa vào hoạt động mô hình đi chung xe của Grab thông qua việc đặt xe trên ứng dụng công nghệ hàng đầu Đông Nam Á này. Phương thức đi chung xe GrabShare cho phép các tài xế đón được nhiều hành khách trên một chặng đường đi và hành khách có thể chia sẻ hành trình, chia sẻ chi phí với tối đa 2 "bạn đường" khác, có lộ trình ngang qua điểm đến của nhau. Chỉ sau một thời gian ngắn, GrabShare đã được người dân hưởng ứng khá tích cực và có dấu hiệu phát triển tốt trong thời gian tới. Trước đó tại Singapore, GrabShare cũng đã được triển khai vào tháng 12/2016 và đạt đến 2 triệu lượt đi chỉ sau 2 tháng.
Theo nhiều chuyên gia, chủ động thay đổi ý thức tham gia giao thông, sử dụng phương tiện công cộng, xây dựng thói quen đi chung xe chính là những yếu tố giúp giảm kẹt xe và bắt kịp nhịp giao thông hiện đại, văn minh của khu vực. Thông tin từ Grab cũng cho biết, nhà cung cấp ứng dụng này sẽ triển khai GrabShare tại Việt Nam ngay trong tháng 5 tới để góp phần cải thiện tình hình giao thông. Đã đến lúc người dân cần đặt ý thức cộng đồng lên cao hơn và bắt đầu áp dụng những giải pháp di chuyển mới… để giải phóng chính mình khỏi vấn nạn ùn tắc!
Vân Trần