1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dệt may Việt Nam đối mặt với 3 khuynh hướng mới

(Dân trí) - Việc áp hạn ngạch (quota) đối với hàng dệt may Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2007, cùng với PNTR, tưởng như vấn đề hạn ngạch được dỡ bỏ sẽ làm giảm bớt những “cơn đau đầu” của các vị lãnh đạo, thế nhưng…

Chiều 22/12, nhân “Hội nghị Dệt may - Cơ chế điều hành thời kì hậu hạn ngạch”, trao đổi ngắn với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết trong bối cảnh mới, dệt may Việt Nam lại đang phải đối mặt với 3 khuynh hướng mới.

Thưa Bộ trưởng, vấn đề hạn ngạch sẽ kết thúc vào năm tới, nhưng tại sao đến thời điểm này chúng ta vẫn phải đặt ra cơ chế điều hành xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ năm 2007?

Đến thời điểm khi bỏ quota, có thể nói dệt may Việt Nam sẽ diễn ra 3 khuynh hướng: Tăng trưởng quá nhanh, việc chuyển tải hàng hóa từ nước khác cũng sẽ gặp khó khăn và nguy cơ Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này.

Thứ nhất, mức tăng trưởng quá nhanh sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp tự ý giảm giá sản phẩm. Nếu điều này diễn ra sẽ làm cho các nhà sản xuất dệt may Hoa Kỳ có ý kiến, mà khi họ đã có ý kiến thì dễ dàng bị điều tra chống bán phá giá.

Và mặc dù phía Hoa Kỳ chưa đưa ra kết luận nhưng chỉ cần công bố tiến hành điều tra sẽ khiến các nhà nhập khẩu lo ngại, dẫn tới việc từ bỏ nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Do đó, chúng ta một mặt phải thúc đẩy quá trình tăng trưởng nhưng cũng phải quản lý được quá trình tăng trưởng.

Thứ hai, hạn ngạch được dỡ bỏ cũng đang đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức trong việc quản lý việc chuyển tải hàng hoá từ nước khác. Trên thực tế, lâu nay chúng ta đã làm được việc này rất nghiêm túc, giờ chúng ta cần làm tiếp.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam để bán được nhiều sản phẩm dễ dẫn tới việc hạ giá thành xuống, làm thiệt hại đến lợi ích doanh nghiệp và giảm lương người lao động; nhưng khi doanh nghiệp tự ý hạ giá lại vấp vào vấn đề cạnh tranh với hàng của Hoa Kỳ sản xuất trong nước.

Như vậy, nguy cơ phía Hoa Kỳ tiến hành điều tra về bán phá giá hoàn toàn có thể xảy ra và dù chúng ta không bán phá giá nhưng cũng mang tiếng xấu.

Theo Bộ trưởng, điều đặc biệt của cơ chế giám sát cũng như tự khởi động điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may Việt Nam là gì?

Thực ra giám sát theo dõi hàng của một nước xuất khẩu là việc bình thường, cũng như chúng ta luôn có thông tư nhập khẩu từ nước nào, mặt hàng nào và số lượng bao nhiêu. Giám sát là chuyện bình thường nhưng cơ chế thể hiện trong thư của Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ có một sự phân biệt đối xử, vì thế chúng ta phản đối cơ chế này.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có sự kiểm soát quá trình xuất khẩu. Một mặt là để bảo đảm rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ quản lý tốt tiến trình này, đồng thời doanh nghiệp Việt Nam cũng không bán phá giá. Chúng ta thể hiện tinh thần ấy trên cơ chế kiểm soát của chúng ta.

Ý nghĩa chính trong việc đưa ra những cơ chế tự giám sát của chúng ta là gì, thưa Bộ trưởng?

Cơ chế giám sát hàng dệt may của Việt Nam đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ và đại diện Thương mại Hoa Kỳ đưa ra trước khi Tổng thống Mỹ Bush đến Việt Nam. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã có dự thảo thư gửi Tổng thống Bush đánh giá tình hình phát triển thương mại 2 bên, trong đó có mối quan hệ tốt đẹp của 2 nước. Tuy nhiên, Hiệp hội dệt may Việt Nam rất lo ngại về cơ chế mà Hoa Kỳ dự kiến áp dụng.

Vấn đề hiện nay là Hoa Kỳ đang tham khảo các bên và biện pháp như thế nào chưa rõ, nên trước mắt chúng ta cần chủ động đưa ra những cơ chế giám sát của chính mình.

Biện pháp này nhằm chủ động đề phòng nếu như phía Hoa Kỳ áp dụng cơ chế giám sát đó. Vì một khi họ đưa ra thông tin điều tra về chống bán phá giá, chưa biết ai thắng, ai thua, thậm chí theo kiện chúng ta có thể thắng; nhưng cái thua chính là khách hàng có thể bỏ chúng ta. Do đó, việc chúng ta chủ động đề phòng là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng, biện pháp để thực hiện được những vấn đề trên là gì?

Cách khả quan nhất là bản thân các doanh nghiệp phải cùng nhau thoả thuận, biến định hướng của Chính phủ thành ý chí của doanh nghiệp. Đó chính là không xuất khẩu những mặt hàng có giá thấp; quyết tâm không chuyển tải, nếu doanh nghiệp nào chuyển tải sẽ phải bị phạt nặng và có thể tiếp tục cấp giấy phép lưu động kết hợp với cấp C/O để quản lý tốc độ tăng trưởng. Và nếu tốc độ tăng trưởng vượt quá sự cho phép phải có sự cảnh báo.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Hiền (ghi)