Dệt may Việt Nam: Ba cái lợi và ba thách thức
Ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích từ môi trường đầu tư, dỡ bỏ hạn ngạch nhưng phải đối diện với nguy cơ bị ép nếu Mỹ đặt chế độ giám sát chống bán phá giá đặc biệt ngay khi Việt Nam chính thức bước vào cửa WTO.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đưa ra những nhận định thẳng thắn về khả năng hội nhập của ngành dệt may Việt Nam khi vào WTO.
Có vẻ như ngành dệt may đang chịu nhiều sức ép hơn cả, khi cánh cửa WTO mở với Việt Nam; bởi để chuẩn bị vào WTO, Chính phủ đã hủy quyết định 55 - một quyết định hỗ trợ đầu tư cho ngành dệt may Việt Nam tăng tốc?
Đây không phải là khó khăn lớn nhất. Vì chương trình hỗ trợ thực hiện trong 4 năm, nhưng đến thời điểm hủy chương trình cũng chỉ mới thực hiện được 20%. Nguy cơ lớn nhất, trực diện nhất mà chúng tôi lo sẽ phải đối mặt, đó là phía Mỹ đặt chế độ giám sát chống bán phá giá đặc biệt với hàng dệt may Việt Nam.
Theo các nhà nhập khẩu, để cản trở thương mại, có 3 giải pháp áp dụng: Chế độ tự vệ, chế độ quota và chế độ chống bán phá giá. Mà chế độ sau cùng này là tệ hại nhất, vì trong lịch sử, khi Mỹ thực hiện chế độ chống bán phá giá với mặt hàng nào, lập tức mặt hàng đó mất tính cạnh tranh, không thể vào thị trường Mỹ được (như thép của Nhật, Hàn Quốc...); thậm chí giết chết cả một ngành sản xuất chỉ trong một thời gian ngắn (như mặt hàng áo len của Đài Loan...).
Nếu Mỹ áp dụng biện pháp này với hàng dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ giảm hẳn một nửa, vì các thị trường khác chưa thể bù vào ngay được.
Hồi đầu năm nay, đã có một dự báo gây xôn xao là sẽ có khoảng 80% doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam phá sản trước sức ép cạnh tranh hội nhập. Nhưng ông đã “đính chính” rằng con số này chỉ khoảng 20%. Tại thời điểm này thì sao?
Vào WTO, không cần ưu đãi, chỉ cần đối xử bình thường cạnh tranh trong môi trường lành mạnh, ngành dệt may Việt Nam có đủ sức cạnh tranh và phát triển. Nhưng nếu bị ép trong một sân chơi không bình đẳng, như áp đặt chế độ chống bán phá giá, thì con số 80% doanh nghiệp dệt may có thể bị phá sản là nguy cơ có thật.
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Trong điều kiện đối xử bình thường, ngành dệt may sẽ có 3 cái lợi:
Thứ nhất, xuất khẩu không bị khống chế quota.
Thứ hai, một số thị trường đang đối xử phân biệt về thuế, sẽ đưa thuế nhập khẩu từ Việt Nam xuống bình thường.
Thứ ba, được hưởng những lợi ích từ môi trường đầu tư được cải thiện.
Nhưng cũng có 3 thách thức:
Thứ nhất, hàng rào bảo vệ thị trường nội địa bằng thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống tới mức tối đa (thuế nhập khẩu hiện hành 40% với vải và 50% với hàng may mặc. Hàng rào này sẽ được giảm còn bình quân khoảng 15%).
Thứ hai, thách thức về lao động.
Thứ ba, các rào cản của nước ngoài sẽ được dựng lên, như các vấn đề về môi trường, chống bán phá giá... Đương nhiên, ta có lợi thế là một thành viên của WTO để chống lại những áp đặt này, nhưng cũng khó chống lại luật chơi của kẻ mạnh.
Nguy cơ cạnh tranh trong một sân chơi không bình đẳng của doanh nghiệp dệt may thời hội nhập là có thật. Đây cũng chính là lúc cần phát huy vai trò của hiệp hội. Với tư cách chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông đã có kế hoạch gì để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh?
Hiệp hội cung cấp thông tin chất lượng; làm cầu nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các đơn vị, tổ chức; bảo vệ quyền lợi hội viên, đặc biệt là trong điều kiện các nước nhập khẩu đưa ra các hàng rào bảo hộ.Chúng tôi đã có kế hoạch cho những vấn đề này.
Nhưng vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng. Vừa rồi, Bộ Tài chính nâng thuế suất thuế nhập khẩu Polyester từ 0% lên 5% không báo trước; doanh nghiệp và hiệp hội đều kêu, nhưng không sửa. Điều này đã góp phần làm tăng chi phí giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trước thềm hội nhập.
Theo Minh Hà
Báo Người lao động