Dệt may giành lại thị trường trong nước

(Dân trí) - Sau 1 thời gian dài gia công và xuất khẩu, “bỏ hoang” thị trường nội địa, ngành dệt may “chợt” nhận ra thị trường 80 triệu dân trong nước không hề nhỏ. Các doanh nghiệp dệt may lớn đang nỗ lực quay trở lại “sân nhà”.

Giành giật trên “sân nhà”

Ngày 31/10, Hội chợ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2011 (VIFF 2011) do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) và Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO) đồng tổ chức đã chính thức khai mạc tại TPHCM. Tại hội chợ này, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý bàn nhiều về vấn đề giành lại thị trường nội địa.

Ông Lê Trung Hải, Phó chủ tịch VITAS, Phó tổng giám đốc VINATEX cho biết: “Kinh tế thế giới khó khăn, nhất là ở Mỹ và các nước Châu Âu đã ảnh hưởng một phần nào đó đến ngành dệt may thế giới nói chung; đặc biệt là ngành dệt may Việt Nam vì đó là những thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta. Do đó, để phát triển hơn nữa, chúng ta phải quay lại thị trường nội địa bỏ ngõ lâu nay”.

Ông Lê Trung Hải cho biết thêm: “Song song với xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng về thị trường nội địa. Chúng tôi đang cố gắng vươn lên, chiếm lại thị trường nội địa đang bị các thương hiệu ngoại chiếm lĩnh”.

Dệt may giành lại thị trường trong nước - 1
Các doanh nghiệp dệt may đang quay lại với thị trường nội địa

Không phải đến bây giờ vấn đề chiếm lại thị trường nội địa mới được ngành dệt may đặt ra. Vài năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đầu tư để dần dần chiếm lại “sân nhà”. Đặc biệt là VINATEX đã xúc tiến việc này gần được 10 năm nay bằng các hoạt động như phát triển chuỗi siêu thị bán lẻ sản phẩm dệt may trong cả nước, đầu tư phát triển các thương hiệu thời trang Việt…

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc VIFF 2011, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải đánh giá: “Cùng với thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa cũng được các doanh nghiệp trong ngành hết sức quan tâm. Rất nhiều thương hiệu như Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng, May 10, Phong Phú, Hanosimex, Đông Xuân, Phương Đông… đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ, được người tiêu dùng cả nước ủng hộ và đã cạnh tranh thắng lợi với hàng nhập ngoại”.

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế thế giới khó khăn, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu bị thu hẹp do người dân các thị trường lớn thắt chặt chi tiêu… thì việc phát triển thị trường nội địa càng mang tính bức thiết hơn, cần đẩy mạnh hơn để ngành dệt may phát triển trong tương lai. Vả lại, các doanh nghiệp Việt phát triển trên chính sân nhà của mình thì sẽ càng thuận lợi hơn việc phát triển thương hiệu thời trang Việt ra thị trường quốc tế.

Phát triển thương hiệu thời trang riêng

Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết: “Ngành dệt may thời trang Việt Nam đã và đang giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Dù tình hình thị trường khó khăn do ảnh hưởng biến động kinh tế thế giới, đến tháng 10/2011, xuất khẩu dệt may ước đạt 11,7 tỷ USD, vượt mức hoàn thành cả năm 2010 là 500 triệu USD”.

Ông Lê Trung Hải cũng cho biết: “Trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam phát triển từ vị trí không là gì cả trên bản đồ ngành dệt may thế giới đến nay đã đứng vị trí thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, ấn Độ và Băng-La-Desh”.

Về hướng phát triển, ngành dệt may Việt Nam từ việc gia công đơn thuần cho các nhà bán lẻ quốc tế phân phối thì đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã phát triển đến bước thứ 2 là mua nguyên liệu – gia công và bán thành phẩm, nhiều doanh nghiệp đã phát triển đến bước thứ 3 là bán sản phẩm hoàn chỉnh kèm theo thiết kế của sản phẩm, một số doanh nghiệp còn phát triển đến bước thứ 4 là xây dựng thương hiệu riêng để bán hàng.

Ông Lê Trung Hải cho biết: “Nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu rất thành công. Có nhiều nhà cung ứng dệt may quốc tế đã đặt vấn đề mua lại các thương hiệu do doanh nghiệp nước ta phát triển”.

Dệt may giành lại thị trường trong nước - 2
Đầu tư xây dựng thương hiệu thời trang riêng để đạt lợi nhuận cao hơn

Theo ông Hải, xây dựng thương hiệu thời trang riêng mới là hướng đi chính của các doanh nghiệp dệt may lớn hiện nay, chỉ có các doanh nghiệp nhỏ lẻ mới chấp nhận gia công cho nước ngoài vì lợi nhuận thu được rất thấp.

Chính vì vậy, hoạt động biểu diễn thời trang hàng đêm rất được chú trọng trong chương trình VIFF 2011, quy tụ những nhà thiết kế thời trang của Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới, giới thiệu và quảng bá đến đông đảo công chúng những bộ sưu tập thời trang mới nhất của các thương hiệu thời trang Việt.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện rất chú trọng nghiên cứu thị hiếu khách hàng, thiết kế các mẫu sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi. Các doanh nghiệp cũng dần định hình thế mạnh của doanh nghiệp mình, đánh vào từng phân khúc khách hàng cụ thể. Như Việt Tiến chú trọng dòng sản phẩm dành cho nam, giới văn phòng và giới trẻ; Hanosimex thì phát triển sản phẩm dành cho phụ nữ và trẻ em…

Tùng Nguyên