1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Dell: có thể lấy lại thời vang bóng?

(Dân trí) - Cách đây chưa lâu, người ta còn thấy Dell vời vợi trên đỉnh cao vinh quang, đắc chí với phương thức bán hàng trực tiếp dán mác độc quyền, rồi lạc quan rằng chẳng mấy chốc sẽ lớn phổng thành gã khổng lồ 80 tỷ USD…

Đó là việc xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái. Sau thời điểm này, thị trường PC bắt đầu chững lại, lợi nhuận công ty “rơi” không phanh, giá cổ phiếu theo đó cũng lên xuống thất thường, khách hàng thì ngày càng than phiền về chất lượng dịch vụ. Ấy vậy nhưng Dell dửng dưng vẫn kiêm trì bám lấy tôn chỉ và phong cách làm việc của mình.

 

Để rồi đến một ngày u ám cuối tuần qua, Dell buộc phải ra lệnh thu hồi 4,1 triệu pin máy tính xách tay - được coi là vụ thu hồi lớn nhất trong lịch sử ngành điện tử nước Mỹ. Nối tiếp thảm kịch này là con số doanh thu ảm đảm của quý 2 và sự thừa nhận không mấy vui vẻ rằng: sẽ có thanh tra liên bang tới công ty để thăm dò về các vấn đề tài chính.

 

Trong chớp mắt, gã khổng lồ đứng đầu ngành sản xuất PC thế giới rơi từ đỉnh cao bất khả chiến bại xuống đáy vực đầy hiểm nguy.

 

Đường xuống dốc

 

Dấu hiệu bất thường đầu tiên xuất hiện vào tháng 8/2005, khi công ty công bố doanh thu quý 2 bằng con số 300 triệu USD, thấp hơn hẳn so với dự đoán của Wall Street.

 

Thời điểm đó, Rollins “đổ vấy” tội lỗi cho người tiêu dùng Mỹ ham thích máy tính giá rẻ, chất lượng kém thay vì “của đắt xắt ra miếng”. “Tạm thời thất thế, nhưng nhất định chúng tôi sẽ sớm lấy lại phong độ trong tương lai gần” - khi ấy ngài Rollins đã quả quyết như vậy.

 

Nhưng rồi cũng phải đến lúc các nhà đầu tư cau mặt khó hiểu, nếu không muốn nói là “điên cái đầu” khi cả thời gian dài sau đó tình hình kinh doanh vẫn như dậm chân tại chỗ.

 

Trong 1 bản báo cáo, nhà phân tích Cindy Shaw của công ty đầu tư Moors & Cabot cho biết sự trì trệ của Dell buộc người ta dù không muốn nhưng cũng phải thừa nhận: bất ổn của công ty ngày càng hiện rõ, lợi nhuận thu về ngày càng khó khăn và mất thời gian hơn.

 

Theo các nhà quan sát trong ngành, một trong những vẫn đề bất cập chính là việc Dell tỏ ra quá “hờ hững” với thị trường Mỹ - mà thực chất vốn là thị trường đem lại doanh thu chính, chưa kể nhu cầu luôn biến đổi đa dạng không ngừng.

 

Vật lộn trên các thị trường mới nổi

 

Trong khi đó, tại các quốc gia đi đầu khối kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, phương thức bán hàng trực tiếp của Dell lại không được người tiêu dùng mặn mà, bởi lẽ trước nay họ vẫn quen mua hàng từ các đại lý phân phối và chưa kịp “tiêu hóa” loại hình đặt hàng qua điện thoại hoặc Internet.

 

 

Dell: có thể lấy lại thời vang bóng? - 1

Kevin Rollins - tân CEO của Dell 

 

“Đáng lẽ ra Dell nên học hỏi đôi điều từ công ty máy tính Apple - 1 thành công điển hình trong phương thức bán lẻ” - Shaw Vũ, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ Mỹ cho biết.

 

Bởi lẽ điểm bán lẻ không chỉ là nơi phân phối thông thường, nó còn là môi trường xây dựng mối quan hệ lâu năm giữa khách hàng và nhà sản xuất. Ấy thế mà, ở những cửa hàng hiếm hoi của Dell, người ta chỉ được ngắm nhìn, cùng lắm là tận tay đụng vào sản phẩm để rồi ra về tay không, dù thực bụng đã muốn mua lắm lắm.

 

"Chỉ bán hàng qua mạng thôi chưa đủ. Nếu Dell biết kết hợp nhuần nhuyễn cả 2 hình thức, chắc chắn vị trí bán lẻ máy tính số 1 thế giới đã về tay công ty từ lâu rồi”.

 

Có thể lấy lại “thời vang bóng”?

Theo các nhà phân tích, tạm thời chưa đủ cơ sở để lo ngại về cuộc sát hạch tài chính sắp tới. Có thể đó chỉ là 1 chuyến tham quan không chính thức của các thanh tra liên bang mà thôi. Giới chuyên môn còn tỏ ra lạc quan: nếu chủ động và lanh lẹ hơn, việc Dell lấy lại đỉnh cao phong độ của mình là điều không mấy xa vời.

 

Trong năm tài khóa này, công ty đã chi khoảng 150 triệu USD nhằm nâng cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng cách tăng cường đội ngũ nhân viên hỗ trợ, xây dựng các chương trình như DellConnect - sửa máy miễn phí ngay tại nhà. Theo Rollins, “đây sẽ là sáng kiến được ưu tiên áp dụng trong chiến lược dài hạn”.

 

Bên cạnh đó, Dell cũng đã mở rộng quan hệ kinh doanh, thông qua việc lắp đặt các bộ xử lý của AMD trong 1 số mẫu máy bàn sắp ra mắt . Sự hợp tác này được giới đầu tư và các nhà phân tích ủng hộ triệt để, bởi trong những năm gần đây, AMD đã rất thành công trong nỗ lực xóa nhòa khoảng cách về kĩ thuật với Intel, thậm chí mới đây nhất còn đôi phần tỏ ra vượt trội. Và bất kể thế nào, việc 2 thương hiệu cùng hiển hiện trong 1 sản phẩm chắc chắn sẽ thu hút nhiều đối tượng khách hàng hơn.

 

Dù sao đi nữa ở vị trí “đầu đàn” trong lĩnh vực công nghệ, Dell khó tránh khỏi những sự thổi phồng thái quá, dù hữu ý hay vô tình, của cộng đồng đầu tư tài chính.

 

Còn thực tế, “việc lo ngại bầu trời sụp đổ trên vai Dell là hoàn toàn vô căn cứ” - theo nhà phân tích Margevicius, “Công ty đang gặp vấn đề ư? Không thể phủ nhận. Nhưng sự việc chẳng qua chỉ là: môi trường kinh doanh đang thay đổi và công ty thì chưa nhanh nhạy phản ứng kịp thời với “cơn chóng mặt” đó thôi”.

 

Khôi Vinh

Theo AP