Đề xuất thu phí điều tiết điện bị phản bác "tả tơi"

(Dân trí) - “Lâu nay Cục điều tiết điện lực vẫn phải nhờ EVN “gánh vác” giúp một phần kinh phí. Như vậy hoạt động giám sát sẽ không còn khách quan” - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nêu quan điểm thu phí điều tiết điện lực để cho Cục này ra “ở riêng”.

Hôm nay, 18/10, UB Thường vụ QH thảo luận về dự án luật Điện lực sửa đổi. Lần thứ 2 trình dự thảo luật, Bộ Công thương bảo lưu quan điểm đề xuất quy định việc thu phí điều tiết điện lực. Cơ quan soạn thảo cũng tiếp tục đề nghị giao Chính phủ quy định về vị trí pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tiết điện lực.

Quan điểm đưa ra là việc thu phí để bổ sung nguồn lực, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc chuyển đổi mô hình cơ quan điều tiết hoạt động điện lực, góp phần tiết kiệm cho ngân sách.

Nhiều cơ quan điều tiết điện lực trên thế giới đã hoạt động hoàn toàn bằng nguồn thu phí. Mặt khác, sắp tới, khi thị trường điện lực phát triển đầy đủ hơn, cơ quan điều tiết hoạt động điện lực phải có vị trí, vai trò độc lập, tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và đảm bảo công bằng, minh bạch.
Đề xuất thu phí điều tiết điện bị phản bác tả tơi

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lập luận, nếu chỉ dựa vào mỗi ngân sách nhà nước, Cục điều tiết điện lực sẽ hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên loại phí này không được quy định trực tiếp trong luật mà có thể bổ sung vào danh mục kê trong pháp lệnh Phí và lệ phí.

Dù vậy, cũng như lần trước, UB khoa học, công nghệ và môi trường – cơ quan thẩm tra dự án luật một lần nữa không đồng ý với đề xuất này. Chủ nhiệm UB - ông Phan Xuân Dũng phân tích, Cục Điều tiết điện lực là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Công thương, nhiệm vụ điều tiết điện lực là thực hiện theo chức trách được nhà nước giao, kinh phí hoạt động đã có ngân sách chi thường xuyên nên không cần thiết và không có cơ sở để thu thêm loại phí này.

Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, dù QH có đồng ý với đề xuất thu phí điều tiết điện lực thì phí thu được cũng nộp vào ngân sách chứ không phải để Cục Điều tiết được sử dụng, vì hoạt động của Cục này với tư cách cơ quan quản lý nhà nước đã được ngân sách chi trả.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cục điều tiết điện lực là cơ quan giúp việc cho Bộ Công thương. Đây là một hoạt động quản lý nhà nước, đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chứ không phải là một loại hình dịch vụ công để bắt người dân phải nộp phí.

“Vấn đề không phải là quy định ở luật hay pháp lệnh mà bản chất là tại sao phải thu thêm loại phí này, nhất là khi UB Thường vụ QH đã từng phản bác trong phiên họp trước” - ông Lưu quả quyết.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, Cục điện lực là đơn vị nằm trong Bộ. Cơ quan quản lý nhà nước không được thu phí nhưng đơn vị này còn làm những dịch vụ như giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát thị trường điện cạnh tranh mà không được phân bổ kinh phí thường xuyên.

“Để đảm bảo hoạt động, lâu nay Cục có trao đổi với EVN và họ cũng có gánh vác giúp một phần kinh phí này. Tới đây, theo lộ trình, Cục Điều tiết điện lực được tách khỏi Bộ Công thương, hoạt động như một cơ quan độc lập, cần quy định thu phí này để đảm bảo hoạt động” – ông Hoàng lý giải.

Lý lẽ này vẫn không thuyết phục được các thành viên UB Thường vụ QH. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn kết luận, không thể quy định thu phí điều tiết điện lực.

Luật Điện lực sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 4 của QH, bắt đầu từ 22/10 tới.

P.Thảo