1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đề xuất người nước ngoài có visa từ 3 tháng được mua nhà ở Việt Nam

(Dân trí) - Cả nước mới chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bộ Xây dựng đang đề xuất thay đổi chính sách, cho phép tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 03 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Đối tượng mua nhà chủ yếu là người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 19/2008/QH12.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong số 126 trường hợp đã mua nhà ở tại Việt Nam thì chủ yếu là các cá nhân nước ngoài (chiếm khoảng 80%), các doanh nghiệp nước ngoài (chiếm khoảng 20%).
 
Cả nước mới chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Cả nước mới chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Thực tế, có ít doanh nghiệp nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam một phần là do chi phí mua nhà ở còn quá cao, một phần do doanh nghiệp không được cho thuê, không được bố trí cho cá nhân trong nước sử dụng khi nhà ở đó mua không sử dụng hết hoặc bỏ trống khi các chuyên gia làm việc tại doanh nghiệp hết hạn về nước.

Hiện nay, có một số doanh nghiệp đó xây dựng khu nhà ở chuyên gia để bố trí cho người nước ngoài ở nhằm giảm chi phí và dễ dàng quản lý nhân sự, bảo đảm thuận tiện trong đi lại, sinh hoạt; cũng có trường hợp muốn mua nhà ở nhưng khu vực hoạt động của doanh nghiệp lại không có nhà ở chung cư để mua hoặc có nhà chung cư nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn để ở của cá nhân nước ngoài.

Đối với cá nhân nước ngoài, trong số 108 trường hợp đã mua nhà ở tại Việt Nam thì cũng chủ yếu tập trung vào các đối tượng kết hôn với công dân Việt Nam (chiếm tỷ lệ khoảng 80%), cá nhân nước ngoài trực tiếp đầu tư vào Việt Nam hoặc được doanh nghiệp thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ khoảng 15%); cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học trở lên (chiếm tỷ lệ khoảng 5%), còn các đối tượng khác như: người được Chủ tịch nước tặng Huân chương, Huy chương, người đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định, người có kỹ năng đặc biệt… thì hầu như không có trường hợp nào mua nhà ở.

Có trường hợp thuộc đối tượng được mua nhà ở nhưng có thời gian công tác dưới 01 năm nên dù có nhu cầu thì cũng không được mua nhà ở do không đủ điều kiện; cũng có trường hợp có nhu cầu mua để sử dụng nhưng việc sử dụng nhà ở không thường xuyên trong khi lại không được cho thuê trong thời gian không sử dụng nhà ở nên họ cũng không muốn mua nhà ở...

Đề xuất cho phép của cả biệt thự lẫn chung cư

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, số lượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam quá ít ỏi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quy định hạn chế về đối tượng.

Nghị quyết số 19/2008/QH12 chỉ quy định 5 loại đối tượng trong khi trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam như: người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc dưới 01 năm, người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp nhưng không giữ chức danh quản lý hoặc vào Việt Nam học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...;

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định hạn chế chỉ cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ chung cư, không được mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự hoặc nhà liền kề). Ngoài ra, đối tượng này còn bị hạn chế về các quyền như: chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước… ; và hạn chế số lượng chỉ được sở hữu 01 căn hộ chung cư.

Chính vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội. Theo đó, cho phép các Quỹ đầu tư nước ngoài; các ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, chỉ trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam;

Đối với cá nhân, cho phép tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 03 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, chỉ trừ những người đang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị sửa đổi theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ (bao gồm cả nhà biệt thự và nhà liền kề). Trường hợp mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ thì diện tích khuôn viên đất mỗi 1 nhà ở không quá 500m2; mức giá của loại nhà mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua và sở hữu tại Việt Nam sẽ do Chính phủ quy định.

Về thời hạn sở hữu, Bộ Xây dựng đề nghị 2 phương án, một là cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời hạn 50 năm và được gia hạn tiếp thêm 1 lần 50 năm; hai là ho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời gian không quá 70 năm và không được gia hạn thêm.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung thêm các quyền cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư (bên bán nhà ở) cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua.

Lan Hương