Đề xuất linh hoạt tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu

(Dân trí) - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong năm 2014, chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 14-15% trong 2014.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) tại Báo cáo vĩ mô tháng 11/2013, mặc dù sản xuất đã có sự chuyển biến tích cực đi lên về cuối năm, song tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp, cân đối ngân sách còn nhiều thách thức và các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.

 

Trên thị trường tiền tệ - ngoại hối, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất giảm mạnh so với năm ngoái. Tình trạng nợ xấu có sự cải thiện hơn nhờ nỗ lực tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu từ phía các ngân hàng thương mại (NHTM) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

 

Cán cân thanh toán quốc tế năm 2013 dự báo thặng dư khoảng 1,5-2 tỷ  USD.
Cán cân thanh toán quốc tế năm 2013 dự báo thặng dư khoảng 1,5-2 tỷ  USD. 

Trong phần khuyến nghị, NFSC cho rằng, chính sách tỷ giá cần tiếp tục ổn định để góp phần vào việc ổn định lạm phát. Tuy nhiên, trong năm 2014, chính sách tỷ giá cũng cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể là, nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới.


Cán cân thanh toán quốc tế năm 2013 dự báo thặng dư khoảng 1,5-2 tỷ  USD. Trong đó, cán cân vãng lai thặng dư khoảng 6% GDP trong nửa đầu năm, là năm thứ 2 liên tiếp thặng dư sau nhiều năm tăng trưởng âm, nhờ vào thặng dư thương mại và kiều hối đạt khá. 


Vốn FDI tăng mạnh thể hiện việc tái lập niềm tin trong trung hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam. Điều này góp phần gia tăng nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.

 

Cũng trong báo cáo lần này, NFSC cho biết, cơ cấu tín dụng đã tích cực hơn khi tập trung phục vụ cho sản xuất và hỗ trợ thị trường. Cụ thể là một số lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng có mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

 

Tính đến hết cuối tháng 9/2013, tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tăng khoảng 13-15%. Tín dụng tiêu dùng và bất động sản cũng tăng cao hơn mức tăng của nền kinh tế phù hợp với định hướng chính sách hỗ trợ thị trường của Chính phủ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Tuy nhiên, nhìn chung, tín dụng cho nền kinh tế vẫn được cho là đang tăng với tốc độ chậm  trong bối cảnh tổng cầu thấp. Tính đến 31/10/2013, tăng trưởng  tín dụng nền kinh tế mới đạt 7,18%, tương ứng xấp xỉ 60% kế hoạch cả  năm. 


Tín dụng một số  lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế: chẳng hạn như tín dụng công nghiệp phụ trợ và tín dụng cho xuất khẩu tăng thấp (3%); tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng âm.


Do vậy, NFSC kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời triển khai tích cực các chương trình bảo lãnh tín dụng đối với đối tượng này, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 14-15% trong 2014.

 

Với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng dần qua từng tháng (so với cùng kỳ) và số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã tăng thấp hơn so với các tháng trước cho thấy doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn.


Song, nếu nhìn vào chỉ số IIP thì thấy rằng, cả  năm 2013, IIP dự  kiến chỉ  bằng năm 2012 (5,8%) và vẫn thấp hơn so với các năm 2011 và 2010. Số  lượng  doanh  nghiệp tạm  ngừng hoạt động dù tăng thấp nhưng vẫn  tăng so với cùng kỳ (11 tháng tăng 8,4%) và tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp vẫn giảm (11 tháng giảm 15,4%). Trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước tăng trưởng thấp hơn nhiều (tăng 3,6%) so với khu vực FDI (23,5%).


Dẫn báo cáo của NHNN, NFSC cho biết, tính đến tháng 9/2013, tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu. 


Ngoài ra, 101.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý từ nguồn trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng (kể từ năm 2012 đến tháng 9/2013). Tính đến 15/11/2013, công ty quản lý tài sản (VAMC) xử lý được 17.300 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến trong năm 2013 xử lý được khoảng 30.000-35.000 tỷ đồng nợ xấu.

 

Trong thời gian tới, NFSC kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh và mở rộng quy mô xử lý nợ xấu của VAMC thông qua sự hỗ trợ và tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách xử lý các tài sản đảm bảo tiền vay để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.

 

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước