Đệ nhất danh tùng: Vượt ngàn cây số ra Hà Nội, đủ 1 tỷ đồng chủ vườn mới “chia tay”
(Dân trí) - Tùng kim cương hay còn được gọi với danh xưng “đệ nhất danh tùng” vốn là giống tùng quý nhất trong 4 loại tùng hiện nay. Tại hội chợ cây Phúc Thọ (Hà Nội) lần này, cây tùng kim cương có giá 1,2 tỷ đồng xuất hiện khiến dân chơi cây từ nhiều nơi về chiêm ngưỡng và tỏ ra vô cùng thích thú.
Cây tùng kim cương hiếm có này có nguồn gốc từ Nhật Bản rồi di cư qua Đài Loan, sau khi được chăm sóc, tạo nên cái cây hoàn chỉnh thì được anh Cao Văn Giám ở Bình Định mua về.
Anh Giám thừa nhận: “Cây đó tôi chỉ chơi thôi chứ không bỏ công cán vào đó. Cũng giống đa số chủ vườn ở đây, họ sở hữu chứ không phải người làm ra nó. Lần này tham gia hội chợ thương mại, nên mục đích là buôn bán chứ không phải chỉ là đem sản phẩm đến trưng bày. Nhưng có những tác phẩm tiêu biểu như cây tùng kim cương này cũng muốn mang đi để anh em bạn bè cùng biết.”
“Điểm tôi thích nhất khi mua cây tùng kim cương này là bởi lúc nào nó cũng đâm chồi lộc non, liên tục. Lộc non đó chớp sáng nổi bật giữa màu xanh đậm của những lá già. Từ xa xưa, người ta hay gọi là tùng kim cang, về sau gọi là kim cương thì cũng không rõ là tại sao, nhưng có lẽ bởi sự quý hiếm nên người ta lấy cái tên kim cương để mang ra so sánh”, anh Giám cho biết thêm.
Dân chơi cây đều biết, hệ tùng có 4 loại, trong đó tùng kim cương là đầu bảng. Người ta thường gọi với cái tên “đệ nhất danh tùng” bởi nó là loại có lá nhỏ. Thứ 2 là tùng quý phi, lá cây lớn hơn 1 chút. Tiếp theo là tùng la hán, lá lại lớn hơn 1 chút nữa và cuối cùng là tùng vạn niên khá phổ biến. Nhiều chủ vườn cho biết, với giống tùng, lá càng nhỏ càng là loại cây giá trị.
Tuy tham gia hội chợ với mục đích thương mại, nhưng nếu cây tùng không bán được theo ý muốn của mình thì anh Giám vẫn giữ lại, chứ không phải bán không được thì bán rẻ để bù lỗ chi phí.
Vì là cây quý nên anh Giám đầu tư thêm cho cây một lớp đá nham thạch phủ phía trên. Đá nham thạch xuất phát từ núi lửa phun ra thạch nham đó, và có nguồn gốc bên Nhật. Nham thạch này được người dân hót lại rồi đóng bao bán đi khắp nơi.
“Tuy có yếu tố ngoại nhưng không có gì thần thánh, loại đá này có tác dụng với tất cả các loài cây. Rải đá trên mặt chậu, khi tưới nước thì sẽ thẩm thấu vào đá và tiết ra chất có dinh dưỡng cho cây. Đá cũng khá rẻ, chỉ 100.000 đồng/5 kg”, anh Giám cho biết thêm.
Chia sẻ về mức giá của cây, anh Giám cho biết: “Bình Định là cái nôi của cây cảnh trong cả nước, năm 2012 bị ảo giá rồi cây cảnh cả nước chết. Dân Bình Định chịu thiệt hại nặng nhất vì đây là cái nôi sản xuất cây cảnh. Thành ra, hỏi giá trị thì cũng không biết phải trả lời ra sao.”
“Nhưng tại hội chợ nhiều cây cũng bị nói giá rất cao, khách hàng sẽ có tâm lý hoang mang không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Nhiều nhà vườn miền Nam mang cây ra với mục đích chính là thương mại, họ để giá rất sát để tìm kiếm khách hàng. Ví dụ cây tùng kim cương ra giá 1,2 tỷ đồng, nhưng thấp nhất cũng phải 1 tỷ đồng và gặp khách thực sự yêu thích mới bán được, nếu không tôi sẽ mang về.”
Mang tới hội chợ năm nay, các nhà vườn Bình Định trưng bày hệ cây rừng là chủ lực để bán. Các nghệ nhân khai thác từ rừng về rồi chăm sóc, nuôi trồng lâu năm mới tạo ra được tác phẩm. Cây duối chính là sản phẩm đặc trưng của quê hương Bình Định.
Tuy nhiên, có một nghịch lý theo anh Giám là: “Cây cảnh mỗi miền lại một khác. Miền Nam chơi theo phong cách cây bonsai của Nhật, còn miền Bắc lại chơi theo phong cách Cổ - Kì – Mỹ. Có nghĩa là cây phải cổ, phải lâu năm, tiếp đó là phải kì quái và có phần mỹ miều, mềm mại. Đó là cái gu chơi cây của người miền Bắc.”
“Lý do đó khiến cho cây miền Nam mang ra Bắc thường khó bán và ngược lại cây ngoài Bắc mang vào miền Nam cũng rất khó bán”, anh Giám chia sẻ thêm.
Thế Hưng