Dễ nhầm lẫn vì tên sữa tù mù

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý sữa chế biến dạng lỏng còn thiếu, chưa rõ ràng đang gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng

Luật An toàn thực phẩm quy định sữa chế biến thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13 của liên Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thì Bộ Công Thương chỉ quản lý đối với sữa chế biến không có bổ sung vi chất dinh dưỡng, còn sữa chế biến dạng lỏng có bổ sung vi chất dinh dưỡng thuộc sự quản lý của Bộ Y tế.

Mập mờ “sữa tiệt trùng”

Đối với sữa chế biến dạng lỏng, hiện có 7 loại phân theo quy chuẩn chất lượng được Bộ Y tế ban hành năm 2010 là: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật.

Vào thời điểm Bộ Y tế ban hành quy chuẩn này, lượng sữa tươi sản xuất trong nước còn ít, việc chế biến sữa dạng lỏng chủ yếu dùng sữa bột pha lại. Đến nay, lượng nguyên liệu sữa tươi trong nước đã dồi dào, phương thức chế biến sữa dạng lỏng cũng đa dạng hơn, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến nguyên liệu đầu vào của sản phẩm sữa dạng lỏng có sữa tươi hay không… Do vậy, việc quy định khái niệm “sữa tiệt trùng” đã không còn phù hợp.

Người tiêu dùng chọn mua sữa tại một siêu thị ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Người tiêu dùng chọn mua sữa tại một siêu thị ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm, đối với sữa dạng lỏng thì chỉ có 2 khái niệm là sữa hoàn nguyên và sữa pha lại. Ngoài ra, việc không quy định tỉ lệ % sữa tươi nguyên liệu trên nhãn đối với sữa tiệt trùng, trong khi khái niệm “sữa tươi tiệt trùng” lại chưa rõ ràng nên nhiều người hiểu nhầm sữa tiệt trùng là sữa tươi.

Ghi nhận thực tế cho thấy hầu hết các sản phẩm sữa dạng lỏng được chế biến từ thành phần sữa bột pha lại đều ghi tên trên nhãn là “sữa tiệt trùng”. Trong đó, cũng có loại trong thành phần có sữa tươi nhưng tỉ lệ % giữa sữa tươi và sữa bột không cụ thể. Ví dụ, một sản phẩm sữa dạng lỏng được bày bán ở Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) có tên trên nhãn là “Sữa tiệt trùng bổ sung hương dâu” cùng thông tin “Bổ sung Vitamin A & D3” thì thành phần nguyên liệu chỉ là: nước, sữa bột, đường tinh luyện cùng một số vi chất bổ sung khác.

Hoặc sản phẩm sữa dạng lỏng của Công ty N. mang tên “Sữa tươi tiệt trùng có đường” có thành phần gồm: nước, sữa tươi, sữa bột, đường tinh luyện… và một số vi chất khác. Thế nhưng, trên bao bì không hề có thông tin cụ thể về hàm lượng sữa tươi và sữa bột mà chỉ thông báo các thông số về thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm.

“Trước đây, tôi thường mua sữa này về cho con uống do được đóng thành túi hoặc hộp nhỏ nên rất tiện. Tôi cũng đinh ninh đây là sữa tươi đã được chế biến và bổ sung vi chất dinh dưỡng. Nhưng gần đây lại nghe nói các sản phẩm này không phải sữa tươi mà chỉ là sữa bột được pha với nước nên rất băn khoăn. Cần phải thông tin rõ ràng hơn để người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ” - một khách hàng tại Big C Thăng Long nói.

Cần công bố rõ ràng

Xuất phát từ thực tiễn trên, Bộ Công Thương kiến nghị sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành năm 2010 cho phù hợp với thực tiễn sản xuất sữa dạng lỏng của Việt Nam và tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị nên ghi rõ trên nhãn tỉ lệ sữa tươi nguyên liệu, sữa bột… để khắc phục tình trạng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết sữa chế biến dạng lỏng được quản lý theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN 5-1:2010/BYT được Bộ Y tế ban hành năm 2010) chia sản phẩm sữa dạng lỏng thành 7 loại, trong đó có loại 5 là “sữa tiệt trùng”. Tuy nhiên, trước ý kiến của một số bộ, ngành, cơ quan này đã báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế về việc đánh giá thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật về sữa dạng lỏng (QCVN, do Bộ Y tế ban hành theo Thông tư 30/2010/TT-BYT năm 2010).

Theo ông Phong, từ khi ban hành cho đến nay, các quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu quản lý. Dù vậy, để cập nhật cho phù hợp, tuân thủ các quy định của quốc tế khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, đồng thời đáp ứng tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế ở Việt Nam, Bộ Y tế đang có kế hoạch rà xét lại các QCVN ban hành từ năm 2010, trong đó có QCVN đối với sữa dạng lỏng. Việc sửa đổi sẽ được lấy ý kiến các bộ, ngành, hội, doanh nghiệp và phải bảo đảm nguyên tắc đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm này.

 

Điều chỉnh khái niệm “sữa tiệt trùng”

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xung quanh vấn đề quản lý sữa tươi nguyên liệu và sữa chế biến dạng lỏng.

Trong đó, ủy ban này đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu điều chỉnh khái niệm “sữa tiệt trùng”, nên tách thành 2 khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” như tiêu chuẩn Codec 206-1999. Sửa đổi quy định về ghi nhãn đối với sữa dạng lỏng nói chung và sữa tiệt trùng theo hướng ghi rõ thành phần định lượng trong sản phẩm để phù hợp thực tiễn sản xuất sữa dạng lỏng hiện nay và quy định về ghi nhãn.

Kết quả giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước còn thấp, chỉ đáp ứng 38,7% lượng sữa dạng lỏng tiêu dùng trong nước, chất lượng không ổn định.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý sữa chế biến dạng lỏng còn thiếu, chưa rõ ràng đối với nguyên liệu đầu vào để chế biến sữa dạng lỏng, chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, tăng chi phí quảng cáo đối với các sản phẩm chế biến từ sữa tươi.

Cụ thể, nhiều người tiêu dùng đã nhầm lẫn vì hiểu “sữa tiệt trùng” là “sữa tươi” gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa tươi vì giá nguyên liệu sữa tươi cao hơn.

N.Ánh

Theo Phương Nhung - Ngọc Dung
Người lao động

 

Dễ nhầm lẫn vì tên sữa tù mù - 2