1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Để ĐBSCL “cất cánh”

(Dân trí) - Cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém và chất lượng đội ngũ lao động quá thấp là hai trở ngại lớn đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giải quyết hai vấn đề này thì khu vực này mới có thể “cất cánh” được.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu trong Hội thảo “Đề án xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL” vừa diễn ra hôm qua (26/8) tại TP Cần Thơ.
 
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (QLKTTW), dù rằng điều kiện tự nhiên vùng ĐBSCL rất thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản song cho đến nay việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL vẫn là một vấn đề lớn, chưa có lời giải thích rõ ràng.
 
Tiềm năng lớn nhất của vùng là nông nghiệp và thủy sản song hiện đang bị “vắt kiệt” và làm xuất hiện những nguy cơ về môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của quá trình phát triển vùng.
 
Hai trở ngại lớn nhất là tiềm năng về địa lý thì lại chưa phát huy được do cơ sở hạ tầng giao thông và bến cảng còn quá hạn chế. Tiềm năng về nhân lực thì lại chỉ đông về số lượng mà yếu về chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kiến thức và kỹ năng của đội ngũ lao động.
 
Để ĐBSCL “cất cánh” - 1
Cần giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ để hút đầu tư vào ĐBSCL.
 
“Chừng nào chưa giải quyết được hai trở ngại trên thì chắc chắn ĐBSCL chưa thể “cất cánh” được. Nhưng giải quyết hai vấn đề này lại hoàn toàn không chỉ lệ thuộc vào sự nỗ lực và tiềm lực của chính quyền địa phương. Ở đây sự hỗ trợ từ Trung ương là một việc hết sức quan trọng và mang tính quyết định”, đại diện Viện Nghiên cứu QLKTTW nhận định.
 
Đối với hệ thống giao thông, cảng biển còn quá yếu kém bởi các tuyến quốc lộ huyết mạch của miền Tây đều hư hỏng nghiêm trọng hoặc được thi công quá chậm chạp, giao thông thường xuyên bị ách tắc. Hệ thống cảng biển và cảng sông của vùng cũng hoàn toàn chưa đáp ứng được yêu cầu; tất cả hàng hóa xuất khẩu đều phải trung chuyển đến các cảng ở miền Đông Nam Bộ, điều đó làm tăng chi phí và thời gian.
 
Về đội ngũ lao động, một thống kê cho thấy độ tuổi từ 15 - 50 tuổi không biết chữ hoặc chưa tốt nghiệp tiểu học là 35,%; tốt nghiệp tiểu học là 41,8%; tốt nghiệp THCS là 13,7%; ngoài ra, trong khi 54% lực lượng lao động của cả nước có trình độ THCS trở lên thì con số này ở ĐBSCL là 27%. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn về lao động có kỹ năng.
 
Bên cạnh đó, để xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL cần xác định lúa gạo, thủy sản, cây ăn quả và du lịch là những sản phầm mũi nhọn. Từ đó, tạo điều kiện hình thành một số cụm liên kết trong tương lai cho vùng ĐBSCL.
 
Với lúa gạo, dù nông dân là những tác nhân chủ yếu đưa Việt Nam trở thành “cường quốc xuất khẩu gạo” nhưng đời sống của họ luôn bị đe dọa.
 
Theo Viện nghiên cứu QLKTTW, hiện tượng mất mùa được giá liên tục diễn ra; khâu trung gian kết nối giữa người sản xuất lúa và thị trường tiêu thụ đều còn tồn tại quá nhiều vấn đề nên thiệt hại luôn thuộc về người dân; vấn đề bảo quản sau quy hoạch còn yếu, đặc biệt khâu xay sát và lưu trữ; vấn đề an ninh lương thực chưa được lý giải một cách thấu đáo.
 
Đối với thủy sản dù có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản một cách tự phát quá nóng, thiếu đồng bộ; đầu tư cho phát triển còn thấp, chậm; cơ sở hạ tầng kém… Chính vì thế, cần chú ý đảm bảo giống, kiểm soát tình hình dịch bệnh; đảm bảo giá đầu vào và đầu ra ổn định…
 
Còn cây ăn quả vẫn chưa phát huy được tiềm năng và vẫn còn nhiều tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như việc xây dựng vùng chuyên canh chưa được chú ý; năng suất, chất lượng trái cây vẫn còn kém; thất thoát sau thu hoạch còn khá lớn; sự liên kết giữa người sản xuất và nhà phân phối còn lỏng lẻo…Chính vì thế cần tháo gỡ những tồn tại này.
 
Ngành du lịch với đặc trưng miệt vườn sông nước và cây trái đã trở thành vùng du lịch thu hút khách. Tuy nhiên hiện nay các tỉnh ĐBSCL chưa tìm được hướng đi thích hợp, các tỉnh chưa có sự liên kết để khai thác thế mạnh của từng địa phương và từng loại hình du lịch.
 
Để thu hút đầu tư vào những ngành mũi nhọn của vùng ĐBSCL, các đại biểu dự Hội thảo cũng đã có một số định hướng khuyến nghị như cần thực hiện nhóm giải pháp về quy hoạch, kế hoạch: quy hoạch diện tích trồng lúa, diện tích nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả, mạng lưới du lịch, các khu- cụm công nghiệp; nhóm giải pháp về hỗ trợ phát triển kinh tế: cải thiện cơ sở hạ tầng, thuế, tín dụng, thông tin, quảng bá…; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường; nhóm giải pháp về xây dựng và thực hiện một số đề án có liên quan.
 
Huỳnh Hải