Để con dấu không trở thành… "cụ dấu"!
"Một trong những cải cách thú vị nhất của Luật Doanh nghiệp (DN) mới là con dấu”.
Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), nhận xét như vậy trong cuộc hội thảo về Luật DN 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Hiếu, thực tế thời gian qua phải gọi con dấu là “ông dấu”, “cụ dấu”. Bởi người ta cứ nhìn thấy con dấu là tin chứ không suy nghĩ xem con dấu này là thật hay giả, do ai đóng, có đủ thẩm quyền hay không...
Luật hiện hành, theo ông Hiếu, có hai thủ tục hành chính về dấu. Một là giấy phép đi khắc dấu, hai là sau khi khắc dấu phải đăng ký mẫu dấu. Điều này đã triệt tiêu quyền của DN. Luật hiện hành cũng quy định dấu là tài sản của đối tượng này nhưng cơ quan công an lại quy định nếu tài sản này bị mất thì bị xử phạt hành chính, sau đó mới được cấp lại con dấu khác. Đây là một mâu thuẫn.
Luật DN mới cho phép DN tự chủ trong việc quản lý, sử dụng dấu và bảo quản dấu, đồng thời được quyết định nội dung và hình dạng của con dấu. Nội dung chỉ cần đảm bảo hai thông tin quan trọng: Tên và mã số DN. Sau khi quyết định có dấu, chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào cơ sở dữ liệu để các bên có thể đối chiếu.
(Ảnh minh hoạ).Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại tinh thần cởi mở của Luật DN mới có thể bị vô hiệu hóa. Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho rằng 99% các văn bản liên quan đã và sẽ bắt có dấu. Điều này có thể làm vô hiệu hóa hoặc làm giảm sự cởi mở của Luật DN mới.
Luật sư Đức dẫn chứng khoản 8 Điều 24 Luật DN mới quy định một trong những nội dung đề nghị đăng ký DN là “mẫu dấu”. Thêm nữa, Điều 44 quy định con dấu là tài sản của DN; người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu.
“Những quy định nói trên vẫn gần như đồng nghĩa bắt buộc DN phải có con dấu và chưa thoát khỏi cái ô pháp lý chụp cho con dấu, gây thêm khó khăn, rắc rối cho DN” - ông Đức nhận xét. Thế nên ông đề nghị phải quy định rõ: DN không bắt buộc phải có con dấu và việc đóng dấu của DN không nhằm khẳng định giá trị pháp lý của văn bản.
Về phía DN, nhiều ý kiến lo ngại sẽ gặp rắc rối về con dấu và lúng túng chưa biết phải nên làm thế nào. Lý do là đến nay, nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật DN mới vẫn đang được lấy ý kiến các bên liên quan nên chưa thể ban hành vào ngày 1-7 như kế hoạch. Ông Phan Đức Hiếu nêu ví dụ: “Có đại diện DN gọi điện thoại hỏi tôi liệu có thể thiết kế con dấu to bằng tờ giấy A4 được không? Tôi trả lời có thể làm con dấu to bằng tờ giấy A3!”.
Luật sư Trần Vũ Hải nhìn nhận từ trước tới nay có rất nhiều nghị định, thông tư về dấu. Nếu muốn thay đổi theo tinh thần cởi mở của Luật DN mới, Bộ KH&ĐT cần phải rà soát lại tất cả quy định hiện nay về dấu. Bởi với một loạt quy định về dấu, DN có cẩn thận tới đâu cũng dễ mắc sai phạm khi sử dụng.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng cần phải nghĩ đến chuyện “xử lý” hơn 500.000 con dấu của các DN đã tồn tại từ trước tới nay.
Theo Chân Luận
Pháp luật TPHCM